Thải độc gan sai cách… coi chừng hại cơ thể

Sau những ngày "chén chú chén anh", "mâm cao cỗ đầy" liên miên dịp Tết, nhiều người phải đối mặt tình trạng nóng gan, mẩn ngứa...nên dùng bổ gan và thải độc gan. Tuy nhiên, có những người uống sai cách gây hại cơ thể.

“Có nhiều phương pháp điều trị y tế cho các bệnh lý về gan nhưng không có bằng chứng nào cho thấy rằng các chương trình giải độc hoặc thuốc bổ gan có thể khắc phục tổn thương gan. Trên thực tế, các chất giải độc có thể gây hại gan nếu không được sử dụng đúng cách. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các tổn thương gan do thực phẩm chức năng và thảo dược đang ngày càng gia tăng” – ThS.BSCKII Phan Thị Minh Hương, Bác sĩ Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng nói.

Nhiều người uống thuốc bổ và thải độc gan sai cách gây hại cơ thể - Ảnh minh họaNhiều người uống thuốc bổ và thải độc gan sai cách gây hại cơ thể - Ảnh minh họa

Hỏng gan vì thải độc

Chị N.T.P. (35 tuổi, Hà Nội) bị bệnh phải dùng nhiều thuốc nên chị sợ gan không thải lọc được nên thường xuyên uống thuốc bổ gan, thải độc gan theo cả Đông và Tây y. Gần đây, chị P. bị vàng mắt, vàng da, bụng chướng to... đi khám mới biết viêm gan nhiễm độc do dùng thuốc bổ gan và thải độc gan sai cách.

BS Nguyễn Thái Anh Tuấn, Khoa Điều trị Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để bổ gan, điều trị các bệnh lý gan mật..., tuy nhiên bệnh không những không đỡ mà lại tiến triển nặng.

BS Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh Viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, đa số các trường hợp ít có biểu hiện lâm sàng, phát hiện tổn thương gan thông qua xét nghiệm men gan và chức năng gan. Các trường hợp có triệu chứng ngộ độc sẽ biểu hiện: Giai đoạn sớm: Mệt mỏi, sợ mỡ, nổi mụn nhọt, ngứa, đau bụng vùng gan…

Trường hợp nặng có thể có hội chứng suy tế bào gan: Vàng da, mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi hôi khai, chảy máu khó cầm, li bì, khó ngủ. Nặng hơn nữa có thể tiến triển sang giai đoạn: Hôn mê, suy hô hấp, tụt huyết áp, hạ đường máu, suy thận, co giật…

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào tác nhân gây viêm gan, liều lượng, thời gian nhiễm độc, tình trạng bệnh lý nền, các bệnh gan kèm theo, tình trạng lâm sàng. Tuy nhiên tỷ lệ xấu sẽ gia tăng dần với mỗi cơ quan ngoài gan bị tổn thương (hệ hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu, thần kinh, huyết học đông máu)...

Nhiều trường hợp nặng phải lọc máu, lọc huyết tương để hấp phụ chất độc do gan không chuyển hóa, thải trừ được... Ghép gan là giải pháp cuối nếu không cải thiện bằng mọi biện pháp điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân viêm gan ngộ độc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108Chăm sóc bệnh nhân viêm gan ngộ độc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Theo ThS.BSCKII Phan Thị Minh Hương, một vấn đề phổ biến hiện nay là việc sử dụng thuốc bổ gan, giải độc gan để ngăn ngừa những tổn thương gan do uống bia, rượu, ăn thực phẩm không lành mạnh, bệnh lý gan như viêm gan B, C,... Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng giải độc gan là quá trình tự nhiên, là nhiệm vụ của cơ thể chứ không phải thải độc bằng bất kỳ phương thức nào. Muốn gan hoạt động tốt, cơ thể phải thải độc, nghỉ ngơi tốt.

Nhiều người mắc phải sai lầm khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như nóng trong người, nổi mụn nhọt,... thì ngay lập tức nghĩ đến “nóng gan” và mua thuốc bổ gan, mát gan về uống, hầu hết những loại thuốc này đều có nguồn gốc thảo dược nên nhiều người quan niệm rằng thuốc từ cây cỏ thiên nhiên thì vô hại.

Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc bổ, khi đưa vào cơ thể không đúng cách cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu chúng ta nạp càng nhiều chất dư thừa như các chất giải độc cơ thể, bổ sung năng lượng dưới nhiều hình thức khác nhau, không rõ nguồn gốc hoặc áp dụng các bài thuốc truyền miệng... thì gan càng phải hoạt động liên tục để chuyển hóa thành chất có lợi, giải hóa thành chất không độc.

Với những người có bệnh lý gan, chức năng gan yếu, việc sử dụng các loại thuốc, chế phẩm hỗ trợ chức năng gan cần phải có sự tự vấn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc vì hại nhiều hơn lợi.

BS Nguyễn Thái Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nhiều người áp dụng các phương pháp thải độc gan như: Uống các thực phẩm chức năng có tác dụng thanh thải chất độc trong gan; Ăn chế độ ăn kiêng; Sử dụng các loại sinh tố; Làm sạch đại tràng bằng thuốc tẩy... Tuy nhiên trên quan điểm y học, một lá gan khỏe mạnh sẽ thanh thải các chất độc một cách tự nhiên. Việc ăn chế độ ăn kiêng, uống quá nhiều sinh tố có thể làm mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng trong thời gian dài dẫn tới thiếu hụt các yếu tố vi lượng, đặc biệt trên phụ nữ có thai, trẻ em.

Ngoài ra việc sử dụng các loại thuốc tẩy, thuốc thụt không đúng cách có thể dẫn tới rối loạn điện giải, là một tình trạng hết sức nguy hiểm. Các sản phẩm chức năng giúp thải độc gan hiện nay chủ yếu có thành phần Silymarin, là một dẫn chất được chiết tách từ cây kế sữa (cúc gai), có hoạt tính chống oxy hoá, bảo vệ màng tế bào.

Tuy nhiên Silymarin có một số tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy, ngoài ra có thể gây tụt đường huyết, đặc biệt ở những bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường. Silymarin không nên sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú. Silymarin cũng như gây tương tác với một số thuốc, vì vậy nên có sự tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Thải độc gan sai cách… coi chừng hại cơ thể ảnh 3

Thải độc gan sai cách… coi chừng hại cơ thể

Thay đổi lối sống là cách thải độc gan tốt nhất

BS Nguyễn Thái Anh Tuấn cho biết, các triệu chứng thường gặp của bệnh lý gan có thể xuất hiện một cách tự nhiên hoặc sau khi có một số yếu tố như: Sau khi uống quá nhiều rượu, lạm dụng thuốc hoặc nhiễm virus viêm gan….

Các triệu chứng thường mệt mỏi, ăn không ngon miệng, giảm cân không rõ lý do, đau tức vùng bụng phải, tiểu vàng sẫm, da và củng mạc mắt vàng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù chân.

Với cuộc sống hiện đại, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ. Một số bệnh lý gan ngày càng tăng như: Viêm gan virus, bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu…

BS Tuấn nhấn mạnh, thay đổi lối sống có thể giúp cho gan khỏe mạnh mà không cần các liệu pháp giải độc gan bằng thuốc:

Hạn chế sử dụng rượu bia: Gan chỉ có thể xử lý một lượng bia, rượu nhất định cùng một lúc, gan phải làm việc nhiều hơn khi bạn uống càng nhiều bia rượu. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến viêm, xơ hoặc ung thư gan. Do đó, hạn chế sử dụng bia, rượu là cách tốt nhất để bảo vệ lá gan.

Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày: Ăn nhiều trái cây cùng chất xơ từ rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Đảm bảo bổ sung protein cho các enzym giúp cơ thể giải độc một cách tự nhiên.

Tránh các đồ ăn nhanh: Đồ ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ, hàm lượng carbohydrate cao, dễ dẫn tới thừa cân, béo phì và các bệnh lý chuyển hoá như đái tháo đường.

Giữ cân nặng hợp lý: Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 -22,9 Kg/m2, duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Trường hợp có bệnh lý tim mạch, hô hấp, cần tập luyện theo chế độ chuyên khoa hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Tránh tập luyện quá sức làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Giảm các nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý viêm gan vi rút: Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan, không quan hệ tình dục không có “bảo vệ” với những người mà bạn không biết. Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… Không sử dụng chung bơm tiêm. Tránh ăn đồ ăn chưa được nấu chín để phòng các bệnh viêm gan virus lây qua đường tiêu hoá.

Đi khám định kỳ nếu có bệnh lý gan mạn tính: Những bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính, bệnh gan do rượu, xơ gan cần đi khám định kỳ nhằm tầm soát ung thư gan. Nếu ung thư gan được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Đối tượng có nguy cơ viêm gan nhiễm độc

- Người có tiền sử lạm dụng rượu, nghiện chất

- Người uống quá liều thuốc: thuốc trầm cảm, rối loạn tâm lý …

- Người đang điều trị thuốc lao, hóa chất ung thư …

- Người lạm dụng thuốc không kê đơn, không rõ nguồn gốc, bao gồm cả thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng.

Theo Đời sống
back to top