Những giai đoạn vàng để tăng chiều cao
Tại hội thảo: “Cho xương chắc khỏe giúp trẻ vươn cao” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Sanofi Việt Nam tổ chức đã đưa ra thông tin đáng chú ý: 32% chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng trong đó canxi đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc cải thiện chiều cao, giảm tỷ lệ gãy xương và tăng khối lượng xương đỉnh ở trẻ em. Vitamin D3 đóng vai trò kích thích hấp thu canxi, photpho, làm xương phát triển rắn chắc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu hụt vitamin D có thể là nguy cơ gây nhiều bệnh ngoài hệ thống xương như ung thư, đái tháo đường .
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn hàng ngày của ta chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu canxi và gần 11% nhu cầu vitamin D của cơ thể theo mức khuyến nghị. Trên thực tế, cơ thể trẻ chỉ nạp khoảng 50% lượng canxi qua thức ăn, phần còn lại sẽ bị bài tiết ra ngoài, vì vậy bổ sung canxi và vitamin D rất cần thiết. BS.CKII. Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Canxi trong khẩu phần của trẻ chủ yếu từ nhóm sữa và chế phẩm sữa và một số thức ăn giàu canxi như cá nhỏ, tôm tép, rau xanh... Bố mẹ thường khó có thể xác định chính xác hàm lượng canxi nạp vào từ bữa ăn, trong khi chưa kể một số trẻ còn dị ứng sữa hay không dung nạp lactose từ sữa và các chế phẩm từ sữa.
Các nghiên cứu ở trẻ em Việt Nam chỉ ra, trẻ càng lớn, lượng canxi từ thức ăn trong khẩu phần càng thiếu. Phụ huynh nên xem xét chủ động bổ sung canxi và vitamin D3 cho trẻ bên cạnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày, kết hợp với vận động, tắm nắng, ngủ đủ giấc để phát triển chiều cao tối ưu. Đối với trẻ nhỏ, 1.000 ngày đầu đời và giai đoạn dậy thì (12-18) tuổi là những giai đoạn vàng để phát triển chiều cao. Do đó, đây là thời điểm cần chú trọng đặc biệt trong việc bổ sung canxi và vitamin D3 nhằm đảm bảo mật độ phát triển xương ở trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc bổ sung đủ canxi ở trẻ em rất quan trọng với nhiều vai trò như tăng khối lượng xương đỉnh, giảm tỷ lệ gãy xương, cải thiện chiều cao. Các nghiên cứu chỉ ra, tốc độ tích lũy khoáng xương đạt 40% ở tuổi thiếu niên, 90% khi 18 tuổi, 100% khi 20 tuổi. Việc tăng khối lượng xương đỉnh ở giai đoạn thanh thiếu niên giúp giảm nguy cơ loãng xương ở tuổi trưởng thành.
Thiếu vitamin D chiếm tỷ lệ cao
Năm 2010 chúng ta đã tiến hành nghiên cứu tỷ lệ thiếu vitamin D trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu và không đủ vitamin D đã được báo cáo trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Điều tra ở TP HCM trên 205 nam giới trưởng thành và 432 phụ nữ đã cho thấy, tỷ lệ không đủ vitamin D ở nam là 20%, thấp hơn có ý nghĩa so với phụ nữ là 46%. Kết quả điều tra vi chất ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cho thấy, khẩu phần vitamin D hàng ngày chỉ cung cấp 8% nhu cầu khuyến nghị của phụ nữ và 10,6 % nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em 1-3 tuổi. Tỷ lệ thiếu vitamin D là 59,3% phụ nữ ở thành thị, 56,2 % phụ nữ nông thôn, 62,1% trẻ em ở thành thị và 53,7% trẻ em nông thôn. Vitamin D có nhiều loại, trong đó quan trọng nhất là D2, D3.
Vitamin D2 (ergosterol, ergocalciferol) được tạo nên từ tiền chất ergosterol, có trong thực vật và nấm men. D3 (cholecalciferol) có 2 nguồn: Do cơ thể tổng hợp từ tiền chất vitamin D3 mà nguyên liệu là cholesterol, có ở trong da, dưới tác dụng tia tử ngoại ánh sáng mặt trời, hoạt hóa thành D3 vận chuyển khắp cơ thể, dự trữ ở gan. Nguồn này chiếm 50 – 70% vitamin cho cơ thể. Nguồn thứ 2, do các thực phẩm cung cấp, có nhiều ở dầu cá.
Vitamin D giúp kích thích ruột hấp thu canxi, photpho, tăng lượng canxi trong máu, tập trung vào xương, kích thích thận hấp thu photpho. Những trẻ em thiếu vitamin D nói chung sẽ có ảnh hưởng xấu đến bộ xương, gây còi xương, người lớn đau nhức cơ bắp nhưng ngược lại, nếu sử dụng quá liều vitamin D cũng rất nguy hiểm. Biểu hiện của người thừa vitamin D là chán ăn, buồn nôn, có thể mất nước, đi tiểu nhiều, huyết áp cao. Biện pháp tốt nhất để nạp vitamin D là ăn các thực phẩm giàu vitamin D từ tự nhiên và tắm nắng. Khi không đủ canxi và vitamin D cần đi khám tư vấn dinh dưỡng để được bổ sung kịp thời và an toàn.