Yếu tứ chi, cầm nắm khó,... đi khám được chẩn đoán mắc bệnh lý tủy cổ

Bệnh lý tủy cổ do cốt hóa dây chằng dọc sau (OPLL) là một bệnh lý rất thường gặp trên lâm sàng, người bệnh thường đến viện muộn với những tổn thương thần kinh rất nặng nề.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân P.V.N. 55 tuổi (Tam Nông, Phú Thọ) liên tục xuất hiện các “dấu hiệu lạ” như yếu tứ chi, cầm nắm khó, đi lại hạn chế, rối loạn đại tiểu tiện…

Tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, đến cả việc cầm đũa ăn cơm cũng khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Dù đã đi khám ở nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, khiến bệnh nhân N. vô cùng hoang mang, lo lắng.

Hình ảnh phim chụp trước và sau khi phẫu thuật của người bệnh. Ảnh BVCC

Hình ảnh phim chụp trước và sau khi phẫu thuật của người bệnh. Ảnh BVCC

Bệnh nhân sau đó quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.

Người bệnh sau đó nhập viện tại khoa Ngoại yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng yếu tứ chi, cầm nắm đi lại hạn chế, phản xạ gân xương tứ chi tăng, rối loạn đại tiểu tiện. Sau khi được trực tiếp TS.BS. Vi Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại yêu cầu thăm khám và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh lý tủy cổ do cốt hóa dây chằng dọc sau ngang mức C3-C4.

Sau khi được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật giải chèn ép cột sống cổ lối trước và cố định bằng nẹp vít, người bệnh đã đồng ý thực hiện.

Sau ca phẫu thuật, sức khỏe người bệnh đã ổn định, các triệu chứng trước kia đã được khắc phục, tay có thể cầm nắm dễ dàng, đi lại bình thường và người bệnh đã được ra viện.

TS.BS. Vi Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại yêu cầu cho biết: Bệnh lý tủy cổ do cốt hóa dây chằng dọc sau (OPLL) là một bệnh lý rất thường gặp trên lâm sàng, người bệnh thường đến viện muộn với những tổn thương thần kinh rất nặng nề. Do đó những người bệnh có các biểu hiện tê tay, yếu tứ chi thì nên đi khám chuyên khoa sớm, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời tránh để lại di chứng.

Theo Đời sống
back to top