Nhiều người sốc mất máu nguy hiểm do vỡ tĩnh mạch thực quản
Mới đây, các bác sĩ điện quang can thiệp Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện can thiệp điều trị thành công cho 3 người bệnh xuất huyết tiêu hoá tái phát mức độ nặng.
Người bệnh nam (SN 1971, trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng nôn ra máu đỏ tươi số lượng nhiều. Được chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá cao tái phát mức độ nặng/ xơ gan. Người bệnh có tiền sử xơ gan nhiều năm đã có vài lần xuất huyết tiêu hóa, đã được điều trị nội khoa và nội soi thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản.
Tại Bệnh viện người bệnh có dấu hiệu sốc mất máu, sau khi được điều trị hồi sức tích cực thoát khỏi tình trạng sốc; người bệnh đã được hội chẩn với chuyên khoa điện quang can thiệp và được thực hiện kỹ thuật TIPS tạo luồng thông cửa chủ kết hợp với nút các búi giãn tĩnh mạch thực quản, cắt nguồn gây chảy máu. Đây là phương pháp điều trị tối ưu đã giúp cho người bệnh thoát khỏi tình trạng chảy máu tái phát.
|
Hình ảnh can thiệp TIPS và đặt stent tạo luồng thông cửa chủ thành công - Ảnh BVCC |
Sau can thiệp, người bệnh ổn định, không còn tình trạng chảy máu tiêu hóa, các búi giãn tĩnh mạch thực quản xẹp hoàn toàn.
Và chỉ 3 ngày sau can thiệp tạo luồng thông cửa chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh, người bệnh khỏe mạnh, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện.
Tương tự trường hợp trên, người bệnh N.V.Đ, sinh năm 1964, trú tại Tam Nông – Phú Thọ nhập viện trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng. Kết quả nội soi cho thấy người bệnh bị giãn tĩnh mạch thực quản độ III và giãn tĩnh mạch dạ dày nặng, nội soi đã thắt búi giãn nhưng nguy cơ chảy máu tái phát rất cao, tiên lượng xấu.
Người bệnh đã được Ekip Điện quang can thiệp thực hiện kỹ thuật TIPS kết hợp nút tắc hoàn toàn các búi giãn tĩnh mạch gây chảy máu. Sau can thiệp, sức khỏe người bệnh đã ổn định
Trường hợp người bệnh H.V.C trú tại Tân Sơn, Phú Thọ nhập viện trong tình trạng sốc xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do giãn vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày. Người bệnh sau khi được can thiệp bằng kỹ thuật TIPS sức khỏe cũng đã ổn định, huyết áp trở về bình thường, huyết động cải thiện, người bệnh ăn uống, vận động tốt và được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Bác sĩ đang thực hiện can thiệp tạo luồng thông cửa chủ trong gan qua đường tĩnh mạch cảnh ( kỹ thuật TIPS) - Ảnh BVCC |
Can thiệp khó trị nhiều bệnh
Theo TS.BS Trần Quang Lục, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, kỹ thuật TIPS (Transjugular Intrahepatic Portosystemic Shunt) là một thủ thuật can thiệp nội mạch được sử dụng trong y học để điều trị các biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản – tĩnh mạch dạ dày.
Kỹ thuật TIPS “Kỹ thuật can thiệp tạo luồng thông cửa chủ trong gan” là một trong những phương pháp can thiệp khó đòi hỏi đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị y tế hiện đại chuyên sâu.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Lục cho biết, kỹ thuật TIPS đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện trong nhiều năm nay với hàng trăm người bệnh được can thiệp và tỷ lệ thành công cao (> 95%), giúp người bệnh giảm được số lần nằm viện do chảy máu tiêu hóa, sức khỏe nhanh hồi phục và tiết kiệm chi phí.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Lục phân tích, TIPS tạo ra một đường thông (shunt) giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan thông qua gan, giúp giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa. Kỹ thuật TIPS được chỉ định cho các trường hợp:
- Xuất huyết tiêu hóa cấp tính hoặc tái diễn do vỡ các búi giãn tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch dạ dày do xơ gan mà đã điều trị bằng thuốc hoặc nội soi không hiệu quả.
- Cổ trướng kháng trị (dịch ổ bụng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc phải chọc tháo dịch nhiều lần).
- Hội chứng Budd-Chiari.
- Một số trường hợp có biến chứng của xơ gan đang chờ được ghép gan (can thiệp bắc cầu chờ ghép gan)
Hội chứng gan thận, gan phổi.
Một số ưu điểm của kỹ thuật TIPS:
- Là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, chỉ cần gây tê tại chỗ chọc vào mạch máu và dùng ít thuốc trong quá trình can thiệp.
- Không phải phẫu thuật nên không có sẹo mổ.
- Thời gian can thiệp thường ngắn.
- Ít tai biến và biến chứng hoặc nếu có thì các biến chứng thường nhẹ.
- Người bệnh được ra viện sớm sau can thiệp.