Xử phạt vi phạm nồng độ cồn trên thế giới như thế nào?

Lái xe uống rượu bia và có nồng độ cồn trong hơi thở và máu bị xử phạt nghiêm khắc ở nhiều nước trên thế giới. Coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng cả biện pháp xử phạt hành chính lẫn hình sự.

Việt Nam

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mức phạt nồng độ cồn với xe máy

Nồng độ cồn: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6)- Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Nồng độ cồn: Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở - Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. (Điểm c Khoản 7 Điều 6) - Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Nồng độ cồn: Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở - Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6) - Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ô tô

Nồng độ cồn: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở - Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5) - Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở - Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5) - Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng. (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở - Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5) - Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Anh

Ở Anh, nếu một người bị kết tội lái xe khi uống rượu, họ có thể bị phạt, cấm lái xe hoặc thậm chí bị tù. Những hình phạt này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Cụ thể, bị kết tội lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 6 tháng, nộp phạt 2.500 bảng Anh hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm. Người từ chối cung cấp mẫu máu, hơi thở hoặc nước tiểu để đo nồng độ cồn có thể bị tù 6 tháng, bị phạt tiền hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm.

Gây tử vong khi lái xe bất cẩn do uống rượu bia được coi là vi phạm nghiêm trọng và có thể bị phạt tù 14 năm, phạt tiền, cấm lái xe ít nhất 2 năm.

Australia

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe - Ảnh: abc.net.au

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe - Ảnh: abc.net.au

Từ ngày 20.5.2019, bang New South Wales của Australia áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với vi phạm lái xe có nồng độ cồn ở mức độ thấp. Sự thay đổi này là một phần trong những cải cách của Kế hoạch An toàn Đường bộ năm 2021 nhằm giảm thương vong liên quan đến rượu và ma túy trên đường ở New South Wales.

Theo đó, các vi phạm như nồng độ cồn từ 0.15 mg/1 lít khí thở trở lên, từ chối đo khí thở, xét nghiệm máu hoặc nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt 3.300 đô la Australia nếu vi phạm lần đầu, phạt 5.500 đô la nếu vi phạm từ lần 2 trở đi, phạt tù từ 18 tháng đến 2 năm, tước bằng lái từ 1-2 năm.

Với các tài xế có nồng độ cồn từ 0.08 đến dưới 0.15 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt từ 2.200 đến 3.300 đô la, phạt tù từ 9 tháng đến 12 tháng, tước bằng lái từ 6 tháng đến 12 tháng.

Các tài xế có nồng độ cồn từ 0.05 đến dưới 0.08 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt 572 đô la, tước bằng lái từ 3-6 tháng, không có hình phạt tù.

Hàn Quốc

Trường hợp có nồng độ cồn ở mức 30-80mg/100 ml máu, đình chỉ giấy phép lái xe trong vòng 90 ngày.

Trường hợp có nồng độ cồn ở mức 80 mg/100 ml máu trở lên: Thu hồi giấy phép lái xe tối đa một năm.

Nhật Bản

Theo Luật Giao thông đường bộ của Nhật Bản, người lái xe nếu có nồng độ cồn từ 0,15 mg/100ml khí thở có thể đối diện với án tù tới 3 năm và nộp phạt 500.000 Yên Nhật.

Nếu lái trong tình trạng say xỉn, người lái có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu Yên. Đặc biệt, người ngồi sau phương tiện của tài xế không tỉnh táo hoặc say rượu cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Nếu trong trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn nghiêm trọng, người lái sẽ bị phạt 20 năm tù đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Đài Loan (Trung Quốc)

Trường hợp có nồng độ cồn từ 5 mg đến dưới 11 mg/100 ml máu: Phạt tiền từ 15.000 Đài tệ đến 90.000 Đài tệ (từ 11 triệu đến 70 triệu đồng)

Trường hợp có nồng độ cồn từ 11 mg/100 ml máu trở lên: Đình chỉ giấy phép lái xe 1 năm và án tù tối đa 2 năm.

Nếu người lái xe bị kết án gây ra tai nạn, hình phạt sẽ tăng thêm gấp rưỡi.

Nếu người lái xe gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, tước bằng lái suốt đời hoặc thậm chí đối mặt với án tử hình.

Đức

Tại Đức, người có ít hơn 2 năm kinh nghiệm lái xe hoặc dưới 21 tuổi bị cấm hoàn toàn sử dụng chất có cồn. Mức cho phép theo luật Đức là dưới 30 mg/100ml. Người lái xe đạp cũng có quy định về việc sử dụng chất có cồn với nồng độ cồn trong máu là 160 mg/100ml.

Nếu gây ra tai nạn, người lái xe đạp nhận hình phạt tương tự như với tài xế ô tô. Hình phạt thấp nhất ở Đức là khoảng 560 USD và thu bằng lái xe. Mức phạt tăng lên theo nhiều nấc tùy vào quy định về chỉ số và hậu quả gây ra do tài xế bị ảnh hưởng bởi chất có cồn./.

Theo Đời sống
back to top