Cần làm gì khi không uống rượu bia vẫn thổi lên nồng độ cồn?

Ngoài rượu bia, chúng ta có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số loại đồ uống khác, như coca-cola hay nước hoa quả lên men, uống siro hoặc ăn sữa chua nếp cẩm... nếu bị thổi nồng độ cồn cần phải xử lý như nào với cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, lực lượng CSGT toàn quốc quyết liệt xử lý nồng độ cồn, khiến đa phần các tài xế đã uống rượu bia là không dám cầm lái. Bởi ai cũng lo bị xử phạt mức cao, tước bằng lái, giữ xe... nếu thổi vào máy đo cho kết quả vi phạm nồng độ cồn.

Việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men; hoặc các món ăn có sử dụng rượu trong quá trình chế biến (tôm hấp bia, thịt sốt vang…); và các loại hoa quả có hàm lượng đường cao (mít, vải, sầu riêng,...) cũng có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP), người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn ở mức trên 0mg/lít khí thở sẽ bị phạt, tức là không có "vùng xanh" như nhiều nước trên thế giới, và mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô ở Việt Nam hiện nay rất cao.

Việc này khiến nhiều tài xế lo ngại nguy cơ bị "dính án" nồng độ cồn oan. Tuy nhiên, không như với rượu bia, hàm lượng cồn (ethanol) do các loại đồ uống và thực phẩm khác tạo nên trong cơ thể rất thấp và dễ bay hơi, nên sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn (15-30 phút).

Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Hữu Thắng

Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Hữu Thắng

Làm gì khi không uống rượu bia vẫn thổi lên nồng độ cồn

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc ăn một số thực phẩm cũng có thể khiến hơi thở của người sử dụng có nồng độ cồn nhất định. Nếu vừa uống hay vừa ăn xong thì có thể có nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó nhưng do lượng rượu này rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết rất nhanh.

“Trường hợp có nồng độ cồn do thực phẩm, người tham gia giao thông có thể đề nghị cảnh sát giao thông ngồi lại 10 -15 phút để đo nồng độ cồn trong khí thở hoặc đề nghị đo nồng độ cồn trong máu”, BS Nguyên nói thêm.

Ảnh minh họa - Ảnh: internet.

Ảnh minh họa - Ảnh: internet.

Nếu đúng là không uống rượu, bia mà kết quả vẫn báo là vi phạm nồng độ cồn thì người dân có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác.

Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây:

Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu.

Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm.

Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.

Nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông sẽ không bị lập biên bản vi phạm./.

Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Chính vì thế, người dân nên cân nhắc việc yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu, nếu đã sử dụng rượu bia thì không nên yêu cầu đưa đi xét nghiệm để tránh mất thời gian và làm tăng chi phí của chính bản thân mình.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top