Hỏi: Bố tôi tuổi cao, đã từng tai biến nhẹ. Bố tôi mắc bệnh tim mạch, huyết áp và nhiều bệnh mãn tính, bác sĩ đã từng cảnh báo về nguy cơ nhồi máu cơ tim. Vậy nếu chẳng may bị nhồi máu cơ tim thì nên xử lý thế nào?
Hương Vân (Hà Nội)
GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Khi bị nhồi máu cơ tim cần cấp cứu chức năng sống là quan trọng nhất. Những biện pháp như dùng thuốc tại thời điểm xuất hiện nhồi máu cơ tim đối với những bệnh nhân đã bất tỉnh sẽ không khả quan. Đầu tiên là cho bệnh nhân nằm chỗ thoáng mát, nới lỏng cổ áo, dùng khăn quấn vào đầu ngón tay để lau hết đờm dãi, đặt đầu bệnh nhân nằm nghiêng để tránh bị tụt lưỡi. Tiếp theo là áp dụng biện pháp cơ học: Bóp bóng, ấn ép tim, hoặc thực hiện hô hấp nhân tạo cho người bệnh trong lúc chờ xe cấp cứu tới. Những bệnh nhân còn tỉnh táo, họ đã tự ý thức thì khi có dấu hiệu như đau thắt ngực, họ có thể chủ động dùng thuốc dưới dạng xịt họng hoặc các viên ngậm dưới lưỡi. Thời gian vàng để cấp cứu nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt, thời gian càng ngắn thì khả năng cơ tim được cứu sống sẽ càng cao, tốt nhất là trong vòng 3 phút đầu.