Xu hướng trẻ hóa nhồi máu cơ tim

(khoahocdoisong.vn) - Thế giới đang chứng kiến sự trẻ hóa nhanh chóng của bệnh vữa xơ động mạch. Có từ 4 - 10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có tuổi đời dưới 45 và phần lớn là nam giới đang khỏe mạnh. Để mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này, BS Đỗ Văn Chiến, Khoa Nội tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã cung cấp thông tin và đưa ra một số lời khuyên.

Người trẻ thường chủ quan

Ở những người trẻ cũng như người cao tuổi, vữa xơ động mạch là nguyên nhân chính, chiếm 80% các trường hợp nhập viện. Ở người cao tuổi, thường tổn thương 2 hoặc 3 động mạch vành nhưng ở người trẻ có đến 60% chỉ tổn thương 1 động mạch vành.

Bất thường giải phẫu động mạch vành bẩm sinh (động mạch vành xuất phát từ động mạch phổi, bất thường xuất phát động mạch vành, không có động mạch vành trái hoặc phải, thông động mạch vành với các động mạch, tĩnh mạch khác).

Co thắt và cầu cơ động mạch vành cũng là nguyên nhân thường gặp trong nhồi máu cơ tim ở người trẻ.

Cục máu đông tại chỗ hoặc di chuyển từ nơi khác trong cơ thể gây tắc động mạch vành đột ngột.

Các nguyên nhân còn lại bao gồm viêm động mạch vành, tia xạ lồng ngực do ung thư, chấn thương ngực, nghiện ma túy và các chất gây nghiện.

Trong giai đoạn đầu của quá trình gây bệnh vữa xơ chỉ có những mảng mỡ mềm bám trên thành mạch sau đó có sự tích tụ thêm canxi và một số chất khác làm mảng vữa xơ cứng hơn và dần dần gây hẹp lòng mạch.

Quá trình gây vữa xơ động mạch bắt đầu từ máu chứ không phải từ mạch máu, sự dư thừa LDL-cholesterol trong máu bắt đầu tích tụ ở lớp dưới nội mạc mạch máu trông như một vệt mỡ có màu vàng. Thông thường những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, tăng huyết áp hay đái tháo đường có nguy cơ nứt vỡ động mạch cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho LDL-C tích tụ tại chỗ và lâu ngày sẽ biến thành mảng vữa xơ. Nếu các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường không được kiểm soát tốt thì mảng xơ vữa lâu ngày sẽ tăng dần lên về thể tích và gây ra những triệu chứng của bệnh tim mạch.

Những triệu chứng điển hình do mảng vữa xơ gây ra là hiện tượng đau tức ngực trái. Tuy nhiên, ở người trẻ có thể không có bất cứ triệu chứng nào trước đó nhưng sẽ đột ngột xuất hiện nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân là do mảng vữa xơ gây hẹp lòng mạch, nứt vỡ tạo cục máu đông gây tắc động mạch vành và nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là một biến chứng cấp tính của bệnh vữa xơ động mạch và có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Vữa xơ động mạch là một quá trình lâu dài, không diễn ra trong ngày một ngày hai nên người trẻ tuổi thường chủ quan.

Dự phòng 6 yếu tố

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá trình vữa xơ có thể bắt đầu từ rất sớm và thậm chí là ngay khi chúng ta chào đời. Tuy nhiên, diễn biến nhanh hơn có thể bắt đầu từ lứa tuổi 15 trở đi. Những người trẻ tuổi hút thuốc lá, béo phì càng dễ vữa xơ động mạch. Đối với người cao tuổi, nguyên nhân chủ yếu lại là rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường.

Quá trình vữa xơ có thể kéo dài nhiều năm và khi còn rất trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng được 6 yếu tố được coi là quan trọng nhất của bệnh vữa xơ động mạch bao gồm: Tăng cholesterol máu, HDL-cholesterol thấp, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và hút thuốc lá. Khi không có yếu tố nguy cơ nào trong nhóm trên thì chỉ có 5% có nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở tuổi 95 mà thôi. Một người không có yếu tố nguy cơ nào trong số các yếu tố trên có thể sống lâu hơn 11 năm tuổi của mình so với người mắc ít nhất một trong số các yếu tố trên.

Những đứa trẻ sinh non, sinh thiếu cân dễ mắc bệnh vữa xơ động mạch từ rất sớm. Cứ thiếu nửa cân so với cân nặng lý tưởng sẽ làm tăng nguy cơ tim của mạch ở tuổi trưởng thành từ 5 - 10%. Chính vì vậy, cần chăm sóc đặc biệt nhóm trẻ thiếu tháng để làm giảm các nguy cơ tim mạch. Ngay từ khi còn mang thai, người mẹ phải được giáo dục về sức khỏe sinh sản và phòng tránh nguy cơ đẻ non, suy dinh dưỡng của trẻ sơ sinh.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top