Khi mỏi mệt lấy tay xoa nắn bàn chân người ta thấy dễ chịu, sảng khoái, mệt mỏi tiêu tan, dần dần hình thành liệu pháp xoa bóp bàn chân và cũng từ đây phát triển châm cứu chân, cổ chân, cứu pháp bàn chân.
3 tư thế để xoa bóp bàn chân
* Người bệnh ngồi trên giường hay trên ghế vừa đủ cao, để chân chạm đất. Bắt chéo chân để khớp đầu gối chân phải lên trên đầu gối chân trái hay ngược lại. Tư thế này thường áp dụng cho việc xoa bóp vùng gót chân hoặc phía trên bàn chân.
* Đặt bàn chân phải lên đầu gối hay đùi trái. Một tay đỡ bàn chân và tay kia xoa bấm. Tư thế này áp dụng cho việc bấm ở gan bàn chân.
* Ngồi bắt một chân hay cả hai chân ra phía sau như tư thế của người quỳ. Có thể ngồi lên một chân còn chân cần xoa bóp để ở ngoài bên cạnh mông. Tư thế này áp dụng cho việc xoa bóp ở phần trên và cạnh ngoài bàn chân. Nếu có người chăm sóc thì nằm ở trên giường trong tư thế thoải mái, người trị bệnh ngồi ở cuối giường, nên ngồi thấp hơn giường đối diện với gan bàn chân của người bệnh. Khi xoa bóp nắm chặt bàn chân trái trong bàn tay phải của mình rồi dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái để nắn, bóp, xoa, day, bấm hoặc ngược lại. Chú ý, móng tay người trị bệnh phải cắt ngắn.
Có thể dùng 6 phương pháp sau đây
- Nắm: Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp hai bên một ngón chân rồi di chuyển theo chiều ngược nhau, thường dùng để vê các ngón chân.
- Xoa, sát: Dùng phần cơ mềm đầu ngón tay cái, xoa tròn trên điểm phản ứng (các huyệt), áp dụng trên mu, gót, lòng bàn chân. Xoa xong rồi sát mạnh cho nóng lòng bàn chân.
- Day: Muốn tăng độ cứng, có thể gập ngón tay cái lại rồi dùng chỗ khớp của hai đốt để day. Có thể dùng đốt 2 và 3 của ngón tay trỏ hay ngón giữa.
- Bấm: Dùng đầu ngón tay cái ấn xuống da sao cho đốt đầu thẳng đứng với bề mặt da ở điểm phản ứng. Động tác này dùng để bấm các huyệt ở chân.
- Ấn: Trong nhiều trường hợp, ngón tay mềm không đủ cứng để ấn sâu xuống da, có thể dùng vật cứng bằng nhựa hay gỗ để ấn sâu xuống da, phần đầu phải mài nhẵn để ấn có hiệu quả.
- Bóp: Dùng cả bàn tay bóp các ngón chân, gót chân. Ngón tay cái đặt trên mu bàn chân, bón ngón dưới lòng bàn chân, bóp nhẹ nhàng. Có thể sử dụng máy xoa bóp truyền rung động ở điểm phản ứng để phối hợp với việc xoa bóp bằng tay. Một số huyệt thường dùng để xoa bóp bàn chân:
* Ấn bạch, đại lộ, thái bạch, công tôn, nhiên cốc nằm dọc mép trong rìa bàn chân.
* Chi âm, thông cốc, thúc cốt, kinh cốt nằm dọc mép ngoài rìa bàn chân.
* Dũng tuyền nằm trong lòng bàn chân.
* Thái xung nằm trên mu bàn chân.
Trong khi xoa bóp nên dùng dầu hay kem dưỡng da để làm mềm da chân. Thời gian tiến hành xoa bóp là 60 phút mỗi lần, tuần xoa bóp 3 lần. Có thể kết hợp với phương pháp ngâm chân trong nước ấm có chứa các vị thuốc sau:
Trần bì 8g, mộc hương 6g, cốt toái bổ 12g, chỉ xác 6g, xuyên khung 8g, nhục thung dung 6g, hương phụ 12g, phòng kỷ 6g, kê huyết đằng 12g, thiên niên kiện 12g, quế chi 8g, sắc thuốc để ấm, ngâm chân 20 phút trước khi xoa bóp.