Phiên tòa xét xử BS Hoàng Công Lương.
Luật sư: Có dấu hiệu thay đổi hiện trường vụ án
Sáng 15/5 tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong.
Trước đó, trong phiên tòa diễn ra sáng 7/5, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa do các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương đều vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà.
Có 3 bị cáo bị đưa ra xét xử. Bác sĩ Hoàng Công Lương (khoa hồi sức tích cực – đơn nguyên thận nhân tạo) và ông Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện) bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) bị đưa ra xét xử về tội vô ý làm chết người.
HĐXX phiên sơ thẩm có 5 người. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ông Nghiêm Hoài Anh – phó chánh án TAND TP Hòa Bình.
Tại phiên tòa, các luật sư yêu cầu triệu tập những người có trách nhiệm liên quan. Trong đó đặc biệt là ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, hiện theo thông tin được biết đang du lịch ở Canada.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người bào chữa cho gia đình 8 nạn nhân cho rằng, trong vụ việc này người chịu trách nhiệm chính gây ra cáo chết cho các nạn là người đã ký hợp đồng cũng cấp các thiết bị chạy thận, nước lọc RO. Cá nhân liên quan trực tiếp là ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc công ty Thiên Sơn. Hội đồng xét xử cần triệu tập người này để tiến hành làm rõ.
Gia đình các nạn nhân trong vụ chạy thận mang theo di ảnh người thân tới phiên tòa xét xử BS Hoàng Công Lương.
Theo luật sư Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, việc triệu tập những người có trách nhiệm liên quan nhằm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Trong trường hợp ông Dương không có mặt thì hội đồng xét xử có thể áp dụng các biện pháp để bắt buộc ông Dương phải có mặt.
Cũng theo luật sư Phúc, hiện trường vụ việc đã có dấu hiệu bị thay đổi. Vì thế, càng cần triệu tập người đứng đầu để làm rõ từ việc báo cơ quan điều tra như thế nào, thu thập các chứng cứ ra sao…
Trong trường hợp chưa triệu tập đủ những người có trách nhiệm liên quan các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các luật sư, HĐXX cho rằng, toà án đã triệu tập lần thứ 2 đối với ông Tuấn và ông Dương nhưng hai người vẫn vắng mặt. Toà án sẽ làm rõ các tình tiết liên quan đến hai người này.
Hội đồng xét xử bác ý kiến hoãn phiên toà của các luật sư, yêu cầu tiếp tục phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương.
Thiếu nhân chứng, chưa đảm bảo nguyên tắc tranh tụng
Trả lời về việc, nếu như phiên tòa vẫn diễn ra mà thiếu vắng những nhân chứng, những người có trách nhiệm liên quan tới vụ án theo đề xuất triệu tập của các luật sư, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cho biết: Đây là vụ án thực hiện bộ luật tố tụng 2015.
Tòa án thực hiện việc xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp kết hợp giữa tranh tụng và thẩm vấn. Do vậy, để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo quy định của pháp luật đã được ghi nhận trong hiến pháp thì tòa cần phải triệu tập đầy đủ những người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến tại phiên tòa xét xử BS Hoàng Công Lương.
“Đối với vụ án này, chúng ta phải xem xét đến ý kiến luật sư đối với những người làm chứng quan trọng và những người có quyền lợi liên quan đến việc xảy ra hậu quả, liên quan đến hành vi để xảy ra vi phạm. Do đó, những đề nghị kiến nghị của luật sư là phải có mặt họ và người làm chứng, người giám định, những chuyên gia liên quan đến thiết bị y tế, máy lọc nước RO.
Chúng tôi cho rằng những đề nghị này hết sức cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật. Và vì thế, những đề nghị của luật sư là phải có mặt những người này và nếu không có mặt thì tòa án phải dùng biện pháp theo quy định của pháp luật tố tụng là buộc những người làm chứng đến để dự phiên tòa.
Một phiên tòa được mở ra thì theo tôi trách nhiệm của tòa án là phải xác định đầy đủ những người tham gia tố tụng có mặt vắng mặt từ đó nếu đủ điều kiện thì sẽ mở phiên tòa. Tuy nhiên, quyết định đưa vụ án ra xét xử có một số người làm chứng người liên quan tòa án đã triệu tập nhưng họ không có mặt lần thứ nhất lần thứ hai là quyền quyết định của hội đồng. Nhưng pháp luật tố tụng cho phép nếu những người làm chứng quan trọng thì có quyền áp dụng biện pháp áp giải để họ đến phiên tòa.
Nếu phiên tòa này không thực hiện biện pháp pháp luật tố tụng quy định mà vẫn tiến hành đưa vụ án ra xét xử thì dẫn trở lại nguyên tắc xét xử là thẩm vấn và công khai những bút lục mà cơ quan điều tra đã thu thập. Do vậy phiên tòa xử chưa đảm bảo được nguyên tắc tranh tụng. Các chứng cứ chưa được kiểm tra chéo tại phiên tòa nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sự việc khách quan của tòa”, luật sư Chiến phân tích.
BS Hoàng Công Lương (trái – hàng đầu tiên) đến tòa. Ảnh: Danh Trọng.
Luật sư Chiến cho biết thêm: Tại phiên tòa các luật sư cũng đã đưa ra nhiều đề nghị những đồ vật, vật chứng tại phiên tòa. Ví dụ liên quan đến trách nhiệm của BS Lương cơ quan điều tra có căn cứ vào sổ giao ban để xác định nội dung sổ đó có liên quan tới trách nhiệm của BS Hoàng Công Lương thì chúng tôi đề nghị sổ gốc đó được đưa ra xem xét tại phiên tòa. Bởi vì qua nghiên cứu tài liệu hồ sơ chúng tôi nghi vấn là có dấu hiệu được ghi thêm ở quyển sổ đó.
KH&ĐS sẽ tiếp tục cập nhật những tin tức tiếp theo của phiên tòa.
Qua hồ sơ vụ án thể hiện ngay khi xảy ra vụ án qua lời khai của những người liên quan, các bị can, bị cáo có dấu hiệu làm thay đổi hiện trường. Vì thế các luật sư cũng đã đề nghị triệu tập những người liên quan và có trách nhiệm về việc này ở giai đoạn đầu khi xảy ra vụ án để đảm bảo hiện trường vụ án cũng như nguyên nhân, điều kiện dẫn tới hậu quả nghiêm trọng này.
Mai Loan (thực hiện)