LS Trương Anh Tú: BS Hoàng Công Lương vào tù sẽ là “thảm họa” cho ngành y tế

Nếu BS Hoàng Công Lương vào tù thì đây sẽ là một “thảm họa” đối với ngành y tế. Các BS có thể sẽ lấy vụ án này ra là một “tấm gương” để cho rằng dù có thực hiện đúng chức trách vẫn bị tuyên phạm tội, từ đó “chùn tay” trong việc cứu người”, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ.

Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ, nếu BS Hoàng Công Lương bị kết luận phạm tội thì có thể khiến các bác sĩ “chùn tay” trong việc cứu người để giữ an toàn cho mình, điều đó rất nguy hiểm. 

Tội danh vô cùng khiên cưỡng

Vụ việc truy tố BS Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đứng ở góc độ luật sư, quan điểm của ông như thế nào?

Sau khi sự việc nghiêm trọng nêu trên xảy ra, tôi cũng như đông đảo người dân đều hết sức quan tâm tới việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình. Được biết, ở giai đoạn đầu, bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố, điều tra về tội danh “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo quy định tại Điều 242 BLHS năm 1999.

Nhưng với nội dung truy tố của bản cáo trạng ngày 22/2/2018 thì có thể nhận định rằng, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương từ tội danh “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh”  sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, theo tôi, việc quy kết Hoàng Công Lương phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng là vô cùng khiên cưỡng.

Dựa vào căn cứ nào mà ông đánh giá vậy, thưa luật sư?

Tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là một trong những tội danh thuộc chương: Những tội phạm về chức vụ của BLHS. Đặc thù về dấu hiệu chủ thể của các tội phạm thuộc chương này đó là các chủ thể đều là chủ thể đặc biệt. Do vậy, vấn đề tiên quyết cần phải làm rõ đó là dấu hiệu chủ thể. Nếu không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể thì sẽ không cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong trường hợp BS Hoàng Công Lương, thì dấu hiệu của chủ thể là như thế nào, thưa luật sư?

Người có chức vụ, quyền hạn trong Chương những tội phạm về chức vụ là những người có nắm giữ những chức vụ thông qua việc bầu cử hoặc bổ nhiệm. Với một BS như Hoàng Công Lương, chỉ là một BS thực hiện công việc chuyên môn, không giữ bất cứ một chức vụ gì tại BVĐK tỉnh Hòa Bình thì không thể kết luận Hoàng Công Lương là người có chức vụ.

Do vậy, tôi cho rằng tư cách chủ thể của Hoàng Công Lương là không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

BS không chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị y tế

BS Hoàng Công Lương khi bị bắt tạm giam.

Vậy theo ông, phải đánh giá như thế nào về việc BS Hoàng Công Lương đã ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân mà không chờ biên bản bàn giao?

Sau khi xem xét về dấu hiệu chủ thể thì vấn đề tiếp theo cần làm rõ đó là hành vi khách quan. Theo Cáo trạng, Hoàng Công Lương bị quy kết có hành vi thiếu trách nhiệm “Khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì Hoàng Công Lương đã chủ quan, không kiểm tra và cũng không thông báo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận – Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 08 người tử vong”...”.

Về trách nhiệm đối với các việc kiểm tra lại các hoạt động của thiết bị y tế thì sẽ không ai rõ bằng những chuyên gia, những lãnh đạo của ngành y tế. Và thực tế họ đã có những ý kiến, đánh giá với một nội dung cho rằng: Bác sĩ thì được đào tạo và dạy các kỹ năng thực hành y khoa liên quan đến cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Chất lượng của thiết bị y tế đó không phải do bác sĩ chịu trách nhiệm. Điều này đã được quy định trong Luật khám chữa bệnh.

Tức là chiếu theo quy định của Luật khám chữa bệnh thì cáo trạng đó là không thỏa đáng, thưa ông?

Đúng thế! Khi BS Hoàng Công Lương không có trách nhiệm trong hoạt động kiểm tra hoạt động của các thiết bị y tế thì hoàn toàn không thể nhận định rằng bác sĩ này thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được.

Thiếu trách nhiệm trong tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được hiểu là một người có có trách nhiệm đối với một công việc, một hoạt động nhất định nhưng vì không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Có thể hiểu, việc chờ biên bản bàn giao rồi mới ra y lệnh cũng là một “trách nhiệm” trong công việc của BS Lương không? Vì thế, BS Lương khi bỏ qua việc này, thì cũng sẽ là “thiếu trách nhiệm” không, thưa luật sư?

Như tôi đã nói, BS được đào tạo và dạy các kỹ năng thực hành y khoa liên quan đến cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Còn việc nhận biên bản bàn giao có thể coi như “thủ tục hành chính”, không thuộc trách nhiệm công việc của BS.

Ngay cả khi có biên bản bàn giao, thì sự cố cũng vẫn xảy ra, vì BS có thể biết được nguồn nước đó có an toàn không đâu? BS Lương có phải kỹ sư ngành nước đâu và trong luật Khám chữa bệnh cũng không quy định BS phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước. Vì thế, không thể quy trách nhiệm cho BS khi xảy ra sự cố.

Mà theo tôi, cần kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ sổ sách BV này, tôi nghi ngờ từ trước đến nay liệu có thủ tục bàn giao hay không? Hay giờ khi sự việc xảy ra thì mới bắt bẻ nhau như thế?

Tóm lại, theo tôi, xét về chủ thể và hành vi khách quan của BS Hoàng Công Lương đều không thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, và không thể xử BS Hoàng Công Lương vào tù.

“Trước đây, khi BS Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh”, có nhiều người phản đối, trong đó có tôi. Thì giờ lại chuyển sang tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Như vậy đã có một sự lúng túng khi mà chuyển tội danh. Mà dân trong nghề ai cũng hiểu, khi chuyển tội danh là có sự “vỡ trận” rồi”, LS Trương Anh Tú. 

Đừng buộc khởi tố một BS để làm vật “tế thần”

Bác sĩ Hoàng Công Lương (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp – Ảnh: TL.

Giả sử, nếu BS Hoàng Công Lương, một người không có tội theo như ông phân tích mà vẫn bị tuyên có tội, và BS Hoàng Công Lương vào tù, ông có suy nghĩ gì?

Tôi cho rằng, với những nhận định về chuyên môn của những nhà chuyên môn, lãnh đạo ngành y tế, đồng thời với đó những phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý của các chuyên gia pháp lý mà tới đây, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình vẫn kết luận BS Hoàng Công Lương phạm tội, BS Hoàng Công Lương vào tù thì đây sẽ là một “thảm họa” đối với ngành y tế.

Vì sao việc BS Hoàng Công Lương vào tù lại là “thảm họa”, thưa ông?

Nếu vẫn bị kết luận phạm tội, BS Hoàng Công Lương vào tù thì khi có sự cố xảy ra, các bác sĩ sẽ không còn biết tin vào đâu để khẳng định hoạt động khám chữa bệnh của mình là đúng chức trách. Khi ngay đến cả những lãnh đạo ngành, chuyên gia đã đưa ra ý kiến khẳng định mà cũng còn như vậy.

Họ sẽ lấy vụ án của BS Hoàng Công Lương vào tù ra để làm một “tấm gương” để cho rằng dù có thực hiện đúng chức trách vẫn có thể bị tuyên phạm tội.

Trong khi đó, để giải quyết một vụ án mang nặng tính chuyên môn, các cơ quan tiến hành tố tụng thường cần phải tham khảo ý kiến của những chuyên gia trong nghề, vậy mà những ý kiến họ đưa ra không được coi trọng thì sẽ đánh mất niềm tin ở rất nhiều BS đang ngày đêm thực hiện công việc khám chữa bệnh.

Điều này thực sự gây hoang mang. Và nếu trong một tình huống tương tự xảy ra, nếu các BS “chùn tay” trong việc cứu người, có thể “chùn tay” trong việc cứu người, từ chối những ca khó để giữ an toàn cho mình, điều này là vô cùng nguy hiểm cho xã hội, cho người bệnh.

Tâm thư của BS Hoàng Công Lương.

Có luồng ý kiến cho rằng, dẫu sao việc làm của BS Hoàng Công Lương cũng vẫn gây nên hậu quả nghiêm trọng. Nếu không “nghiêm trị”, không xử BS Hoàng Công Lương vào tù thì e rằng sẽ có nhiều vụ việc tương tự xảy ra như vậy nữa?

Quan điểm của tôi, việc điều tra làm rõ là chính xác, đúng đắn. Vì xã hội và gia đình người bệnh cần có câu trả lời thỏa đáng cho vụ việc, cho cái chết của những bệnh nhân.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta buộc phải khởi tố một BS, bắt BS Hoàng Công Lương vào tù để làm vật “tế thần” trong sự việc này.

Cần làm rõ, trong vụ án này, mục tiêu lớn nhất là gì? Đó không phải là trừng phạt mà là để có một quy trình khám chữa bệnh đạt hiệu quả tối đa, để làm sao không còn những người dân vô tội, người bệnh rơi vào trường hợp tương tự.

BVĐK Hòa Bình, Sở Y tế Hòa Bình thậm chí cả ngành y tế nên nhìn nhận lại mình, xem xét lại và quản lý các quy trình khám chữa bệnh tốt hơn. Cái chết của những bệnh nhân sẽ không là vô nghĩa nếu đây được coi là một bài học cảnh tỉnh cho cả ngành y tế. Đó mới là mục đích của xã hội, chứ không phải là bắt BS Hoàng Công Lương vào tù.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây, BS Hoàng Công Lương vừa có tâm thư gửi đồng loạt đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Lá thư này là tâm thư được cháu chắt lọc từ nước mắt, niềm tin với mong muốn gửi đến các bác. Kính mong các bác giúp đỡ cho xem xét lại bản chất của vụ án, xét xử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”, BS Lương viết.

Sau khi vụ án xảy ra, đến nay BS Lương đã được Bộ Y tế, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc VN, Tổng hội Y học VN cùng các GS đầu ngành, các đồng nghiệp lên tiếng ủng hộ, giúp đỡ.

Đã có hơn 10.000 chữ ký từ đồng nghiệp, người dân ký tên mong muốn vụ án được xét xử đúng pháp luật.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top