Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, GS.TS Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại học Y Hà Nội, Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nữ, 21 tuổi quê ở Long An. Tiền sử trước phẫu thuật 1 ngày có sử dụng ma túy.
Khi đến cơ sở phẫu thuật, bác sĩ gây mê khai tiếp xúc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, xét nghiệm trước mổ bình thường, cơ sở địa chỉ ở Tam Trinh, Hà Nội khoảng 14h.
14/1 bác sĩ gây mê tiến hành tiền mê tại nơi phẫu thuật (Liều mydazolam1mg, fentanyl 50microgam) và tê tại chỗ lidocain 2% 2 ống) bệnh nhân sau tiền mê 30 phút xuất hiện giảm tri giác, gọi hỏi không đáp ứng, tiến hành đặt ống nội khí quản, theo dõi khoảng 45 phút tri giác không cải thiện, bệnh nhân được chuyển cấp cứu A9.
Hiện tại: Bệnh nhân mê Glasgow 6 điểm, đồng tử 2 bên 2mm, PXAS (+). Vết mổ mũi mở khô không chảy dịch.
MRI sọ não: Hình ảnh tổn thương nhân bèo 2 bên dạng đối xứng gợi ý tình trạng ngộ độc, chuyển hóa, thiếu oxy.
Xét nghiệm dương tính ma túy dạng Ketamin và Metamphetamin, và thuốc ngủ Rotundin.
Bệnh viện Bạch Mai đã gửi Pháp y làm xét nghiệm nồng độ thuốc gây mê, nhưng hiện chưa có kết quả.
Siêu âm tim, Điện tim, xét nghiệm Troponin không nghĩ đến bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim. Điện não: không thấy ổ phát động kinh, chọc dịch não tủy: không thấy dấu hiệu viêm màng não.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng bệnh viện da liễu T.Ư, trong phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tùy vào thể trạng tâm lý (sợ hãi hay quá lo lắng) của bệnh nhân cũng như mức độ can thiệp của phẫu thuật các bác sĩ có thể tiến hành gây mê hoặc gây tê. Về cơ bản thì trường hợp nào cũng có thể áp dụng gây mê trong phẫu thuật được.
Đối với phương pháp nâng mũi hiện nay có rất nhiều cách để giúp cho khách hàng cảm thấy dễ chịu hơn khi thực hiện phẫu thuật như tiền mê, gây mê hoặc gây tê.
Gây tê là tiêm vào vùng phẫu thuật một lượng thuốc khiến cho dây thần kinh cảm giác tại vùng đó tê liệt tạm thời, không thể cảm nhận được đau đớn hay khó chịu. Người được gây tê vẫn hoạt động não bộ và tỉnh táo như bình thường. Có thể gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng.
Gây mê là sử dụng thuốc làm tê liệt toàn bộ cơ quan cảm giác, làm mất cảm giác toàn thân, bệnh nhân sẽ không hay biết gì, rơi vào trạng thái vô thức. Có thể thực hiện gây mê tĩnh mạch hoặc qua đường thở nhờ chụp mê bằng ống thở.
Về việc sau khỏi COVID-19 bao lâu thì được phẫu thuật nâng mũi, theo TS.BS Nguyễn Hữu Quang, tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân. Nếu sức khỏe qua thăm khám tốt, mọi chỉ số đều ổn định thì bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện làm nâng mũi được.
Theo các chuyên gia đánh giá, trường hợp này là tai biến gây mê, ngừng thở mà không phát hiện và để quá lâu gây thiếu máu não, thường do dùng thuốc gây mê quá liều trên người dùng ma túy.