Việt Nam đặt mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030

(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.

Nỗ lực giảm thải khí nhà kính

Theo ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng carbon cao.

Việt Nam là một trong những nước có lượng phát thải khí nhà kính liên tục tăng, từ mức hơn 21 triệu tấn (năm 1990) lên 150 triệu tấn CO2 (năm 2000). Giai đoạn 2001 - 2010, các ngành, lĩnh vực kinh tế Việt Nam đều có bước phát triển khá. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội, Việt Nam đang ngày càng gia tăng lượng khí nhà kính phát thải trong tất cả các lĩnh vực.

Thống kê của Cục Biến đổi khí hậu công bố năm 2018 cho thấy, năm 2014 lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam là 283,96 triệu tấn CO2, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu và mức phát thải bình quân đầu người là 2,84 tấn CO2, cao hơn các nước Đông Nam Á khác và thấp hơn Trung Quốc, Nhật…Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng, Việt Nam xếp thứ 132/180 nước có độ phát thải khí nhà kính lớn. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.Các chuyên gia môi trường cho rằng, những năm qua, lượng khí thải chủ yếu ở Việt Nam đến từ hoạt động giao thông và năng lượng cố định, chiếm hơn 90% tổng lượng khí thải mà nước ta đang đối diện.

Những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, số dân tăng nhanh, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường và từ sự gia tăng của phát thải khí nhà kính.

Tuy Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhưng lượng phát thải khí nhà kính liên tục tăng.  Dự tính lượng khí thải CO2 của Việt Nam sẽ tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020. 

Quyết tâm cao nhất

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.

Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tấn CO2 và tương đương (từ 62,7 triệu tấn CO2 và tương đương lên 83,9 triệu tấn CO2 và tương đương ) tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tấn CO2 và tương đương (từ 198,2 triệu tấn CO2 và tương đương lên 250,8 triệu tấn CO2 và tương đương ).

NDC cập nhật của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực.

Theo ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu thì NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris.

Nỗ lực của quốc gia còn được thể hiện qua việc Chính phủ coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thực hiện NDC còn giúp Việt Nam có cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế cho ứng phó với BĐKH. Hiện nay, đã có nhiều đối tác quốc tế lớn quan tâm, xúc tiến và sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam thực hiện NDC, cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ cho ứng phó với BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới.

Các nỗ lực được xem xét và đưa vào các văn bản, quy định cụ thể trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và thực hiện NDC cập nhật nói riêng trong giai đoạn kể từ năm 2021 trở đi.

Theo Đời sống
back to top