Thông tin trên được công bố bởi Vụ Môi trường - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong “Hội thảo về phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh đến 2050 cho Việt Nam”. Theo Bộ GTVT, kết quả kiểm kê khí nhà kính cho thấy, lượng khí CO2 do giao thông vận tải phát thải ở mức 33.235 nghìn tấn. Dự báo con số này tăng 2 - 2,5 lần trong các năm 2025 và 2030. Cụ thể, năm 2020 dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải là là 47.680 nghìn tấn; năm 2025 là 65.138 nghìn tấn và năm 2030 là 89.119 nghìn tấn.
Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020 - 2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biển chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Trước các con số dự báo kể trên, Bộ GTVT đặt mục tiêu chủ động phát triển giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, đặt mục tiêu tái cơ cấu vận tải, trong đó, tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển; tăng thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; xây dựng năng lực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải.
Ông Richard Baron, Giám đốc điều hành Tổ chức 2050 Pathways, cho rằng: Việt Nam là một nền kinh tế cởi mở, có thể bảo đảm được phát triển kinh tế tốt dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình và Việt Nam cũng có những vấn đề liên quan phát thải lượng khí nhà kính, đây là cũng xu hướng của các quốc gia. Vấn đề đặt ra làm sao để có thể phát triển nhưng ít phát thải.