Uống thuốc, ra nắng “thả ga”
Mùa hè, thời tiết nắng nóng cũng là lúc các mặt hàng chống nắng bán “đắt như tôm tươi”. Ngoài các sản phẩm váy áo chống nắng, kem chống nắng, trên thị trường hiện bán tràn ngập viên thuốc uống chống nắng. Chỉ cần gõ từ khóa “viên chống nắng” là có hàng nghìn kết quả.
Theo quảng cáo từ một trang web thì loại thuốc chống nắng này được sản xuất tại Mỹ, giá một hộp 30 viên lên tới 830.000 đồng. Nhiều tài khoản facebook cũng rao bán viên thuốc chống nắng. Tài khoản Minh Le quảng cáo, thuốc không chỉ giúp tránh được tia cực tím UV, giảm quá trình lão hóa da, tàn nhang, sạm…
Ngày 22/5 vừa qua, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát đi thông báo khẳng định không một loại viên uống nào có thể thay thế kem chống nắng. Nhiều sản phẩm viên uống chống nắng được giới thiệu có khả năng chống nắng nhưng không mang lại lợi ích như được quảng cáo. Thay vào đó, còn gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và khiến mọi người gặp rủi ro.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, chống nắng nghĩa là chống lại những tác hại của tia tử ngoại. Trong đó có tia UVA làm cho da sạm, thay đổi cấu trúc da, tia UV sinh ra bệnh ung thư da, tia UVC bị ngăn ở tầng ozon nay tầng ozon bị thủng nên cũng tác động đến da người.
Chống nắng nghĩa là chống lại sạm da, lão hóa da và ung thư da. Không có bất kỳ hóa chất nào có thể làm được việc này. Đưa một chất nào đó vào người, nếu có, thì chỉ có thể chống lại một bước sóng ánh sáng nhất định, nghĩa là chống được một trong các tia nêu trên.
Tuy vậy, do quảng cáo khá mập mờ, không nói rõ là chất gì, nên rất khó để khẳng định viên uống đó có khả năng chống nắng.
“Muốn chống nắng phải sử dụng biện pháp tổng thể, kết hợp kem chống nắng với việc đội mũ nón rộng vành, hạn chế ra nắng vào những thời điểm nắng gắt… Tin tưởng uống thuốc chống nắng rồi thì có thể ra nắng thoải mái sẽ khiến nhiều chị em phải đối mặt với tình trạng cháy da, đen sạm da, thậm chí là ung thư da”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Chống nắng cũng là làm đẹp
PGS.TS Phạm Văn Nho lo lắng, hiện nay nhiều chị em rất ảo tưởng về các phương pháp bảo vệ, làm đẹp cho làn da. Ngoài uống thuốc chống nắng, nhiều người còn tiêm làm trắng, ủ trắng da…
Cho dù sử dụng bất cứ biện pháp làm trắng da nào, dù cấp tốc hay spa bài bản, dù nguyên liệu đắt hay rẻ, an toàn hay không thì kết quả cuối cùng lại phụ thuộc vào biện pháp chống nắng.
Nếu không chống nắng thì kết quả lại trở về trạng thái ban đầu, thậm chí da có thể bị thâm hơn, và nguy hại nhất là da bị lão hóa nhanh hơn, dễ bị bệnh hơn khi hàng rào bảo vệ melanin không còn. Do đó, chống nắng cho da không đơn giản chỉ là chống nắng, mà còn là phương pháp bảo vệ da, cho làn da mạnh khỏe, sáng đẹp.
Nếu cứ ỉ lại vào việc đã uống thuốc chống nắng rồi để ra nắng thoải mái thì chị em sẽ phải đối mặt với vô số nguy cơ. Đó là bởi vì tia tử ngoại là nguyên nhân làm gia tăng mật độ sắc tố melanin gây thâm da. Kem chống nắng ngăn tia tử ngoại tức là loại trừ nguyên nhân làm thâm da đồng thời loại bỏ luôn tác nhân gây lão hóa ung thư.
Thay vì sử dụng các phương pháp trắng đẹp da thần thánh thì theo PGS.TS phạm Văn Nho, nên làm trắng da bằng kem chống nắng an toàn hơn phương pháp dùng kem dưỡng trắng loại bỏ melanin. Vậy chống nắng là biện pháp làm trắng da cơ bản và an toàn nhất.
Nguyên tắc quan trọng nhất để chống nắng chính là hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Bằng cách sử dụng quần áo, mũ, kính… là bạn đã hạn chế được một nửa tác hại của tia nắng mặt trời.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, có hai loại kem chống nắng là kem chống nắng vật lý và chống nắng hóa học. Kem chống nắng vật lý an toàn hơn do có các hạt nano siêu mịn, nhỏ hơn hạt micro 1000 lần như một màng bảo vệ bám trên da, chống lại tác hại của ánh nắng.
Bảo Khánh