Ngọc Hân là một trong những nàng công chúa nổi tiếng thời Hậu Lê. Nàng là công chúa mà vua Lê Hiển Tông yêu mến nhất.
Diện quan như ngọc
Ngọc Hân công chúa tên đầy đủ là Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Mẹ Ngọc Hân là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Đây cũng là nơi sinh ra bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, mẹ của công chúa Ngọc Bình, em gái út của Ngọc Hân.
Tranh công chúa Ngọc Hân của họa sĩ Văn Ba.
Chu Quang Trứ cho biết: Theo lời truyền tụng thì công chúa Ngọc Hân thông minh từ bé. Chưa đầy 10 tuổi đã giỏi cầm, kỳ, thi, họa, thuộc làu kinh điển, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm. Có rất nhiều sáng tác của nàng được lưu truyền trong dân gian. Rất tiếc, thời gian như cát chảy qua kẽ tay, đến nay mọi thứ đã thất truyền.
Thừa hưởng nhiều nét đẹp từ người mẹ được cho là mỹ nhân xứ Kinh Bắc, Ngọc Hân sinh ra đã diện quan như ngọc. Vẻ đẹp như ngọc tạc thành ấy càng nổi bật khi nàng trưởng thành khiến tiếng thơm bay khắp đất nước. Vua Lê Hiển Tông vì thế càng thêm yêu mến.
Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân tiến ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, xóa sổ hoàn toàn thế lực các chúa Trịnh. Sau khi vào yết kiến vua Lê, Nguyễn Huệ được phong làm Nguyên soái Phù chính dục Vũ uy Quốc Công.
Thành vợ hoàng đế
Trước sự suy yếu của triều đình nhà Lê, vua Lê phải dựa vào sức mạnh của quân Tây Sơn. Vua Lê theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để thắt chặt mối quan hệ.
Đền Ghềnh thờ Ngọc Hân công chúa.
“Năm đó, Ngọc Hân mới 16 tuổi, Nguyễn Huệ bước sang tuổi 33. Sau vài ngày hôn lễ, vua cha Lê Hiển Tông băng hà, thọ 70 tuổi, Lê Chiêu Thống nối ngôi”, GS. Chu Quang Trứ cho biết.
Trong các câu chuyện dã sử còn lưu truyền về đám cưới của Nguyễn Huệ – Ngọc Hân. Quân lính đứng xếp hàng hai bên từ cung điện đến tận cửa phủ bên bờ sông Nhị. Chú rể ngồi kiệu rồng vàng ra đón, hết thảy mọi nghi lễ đều long trọng.
Tiệc rượu linh đình được tổ chức chiêu đãi hoàng tộc và các quan văn võ trong triều. Hôm ấy, trai gái trong kinh thành hay tin rủ nhau đi xem đông như hội. Ai cũng cho là việc hiếm có xưa nay.
Chu Quang Trứ cho rằng: Cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ – Ngọc Hân, xuất phát ban đầu từ ý đồ chính trị. Nhưng qua quá trình sống bên chồng, Ngọc Hân đã chiếm trọn niềm tin, tình yêu của người anh hùng.
Với sự dịu dàng trong sáng và cách cư xử nền nếp gia giáo rất đặc trưng của phụ nữ Bắc Hà xưa, Ngọc Hân đã chinh phục hoàn toàn người đàn ông dũng mãnh. Nguyễn Huệ tôn trọng, nâng niu, luôn hỏi ý kiến Ngọc Hân về những ứng xử cần thiết với triều đình nhà Lê.
Tháng 8/1786, Nguyễn Huệ đưa Ngọc Hân về Phú Xuân. Bà ở Hữu cung, cùng Tả cung hoàng hậu Phạm Thị Liên. Bà thường giảng giải kinh sách cho con em trong hoàng gia, giúp hoàn thiện các nghi lễ trong nội cung.
Với bản tính khiêm nhường, hòa nhã, bà nhanh chóng nhận được sự cảm mến của mọi người. Nguyễn Huệ biết Phú Xuân là nơi xa lạ với Ngọc Hân nên ông luôn yêu thương che chở cho bà.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ 2 trị tội Võ Văn Nhậm chuyên quyền. Cùng với đoàn tùy tùng 150 thớt voi, 100 võng cáng là hai chiếc kiệu sơn son thiếp vàng để Ngọc Hân sánh vai cùng Bắc Bình Vương về thăm Thăng Long, Ngọc Hân rạng ngời hạnh phúc.
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng Ngọc Hân công chúa.
Theo các nguồn sử liệu, Ngọc Hân sinh được hai người con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Thị Ngọc và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Cả hai đều được thừa hưởng ngũ quan như ngọc và cốt cách vô cùng khí chất.
Không chỉ là vợ của hoàng đế, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn của chồng. Bà can đảm can gián, khuyên giải hoàng đế những việc hệ trọng liên quan đến triều chính ở Phú Xuân.
Mang tiếng “oan kép”
Sau 6 năm đầu ấp tay gối, năm 1792 hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Cái chết của chồng khiến Ngọc Hân suy sụp. Trong những ngày đau thương, Ngọc Hân dồn hết tình cảm của mình vào khúc ngâm “Ai tư vãn”.
Mộ bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (trái) và mộ giả Ngọc Hân công chúa tại làng Nành.
Tuy nhiên cái chết đầy bí ẩn của Quang Trung đã đẩy Ngọc Hân vào những lời đồn đoán ác ý. Nàng bị cho là kẻ mưu sát chồng để tư thông với kẻ thù nhà Tây Sơn lúc này là Nguyễn Ánh.
Các giả thuyết và cả những lời đồn đoán cho rằng, Ngọc Hân sau 6 năm “ngậm bồ hòn làm ngọt” nuôi chí trả thù Nguyễn Huệ. Cũng có lời đồn đoán cho rằng, nàng đầu độc chồng vì ghen tuông.
Quang Trung mất, chính hậu Phạm Thị Liên cũng qua đời. Ngọc Hân khi đó mới 22 tuổi xin đưa các con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền để thờ chồng nuôi con. Ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (tức ngày 4/12/1799), Ngọc Hân qua đời khi mới 29 tuổi.
Theo GS. Chu Quang Trứ, những bi thương đối với Ngọc Hân không dừng lại kể cả khi bà đã qua đời. Năm 1802, Phú Xuân thất thủ, hai người con của bà cũng bị hại.
Mẹ Ngọc Hân là bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền xót thương con cháu mồ hoang không người hương khói. Bà đã bất chấp hiểm nguy, nhờ một viên Đô đốc cũ của nhà Tây Sơn tên là Hài bí mật đem hài cốt của ba mẹ con Ngọc Hân xuống thuyền vượt biển về quê ngoại.
Lễ hội đền Ghềnh.
Bà Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại tên để làm mất dấu tích, nhằm tránh cuộc trả thù quật mộ của nhà Nguyễn. Tuy nhiên 50 năm sau, đến đời vua Thiệu Trị, sự việc bị phát giác, triều đình phái người trị tội.
“Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Ngọc Hân đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ “ngụy Huệ”. Triều đình liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông”, GS. Chu Quang Trứ cho hay.
Tương truyền, hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng, đến ghềnh ở làng Lâm Hạ, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì được người dân rước vào bãi sông, chôn cất rồi lập đền thờ. Để che giấu, đền thờ Ngọc Hân được gọi là đền Mẫu, nay chính là đền Ghềnh.
“Dân gian có câu: Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng làm vua. Người ta cho là Ngọc Hân tư thông với Nguyễn Ánh. Đó là nỗi oan lớn nhất của bà. Thực ra, câu ca đó nói về công chúa Ngọc Bình, em gái của Ngọc Hân. Hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn. Do những điểm tương đồng mà những câu chuyện truyền tụng gây ra sự nhầm lẫn”, GS. Chu Quang Trứ.
Phong Điền – Trần Hòa