Viêm da cơ địa, phải kiên trì điều trị

(khoahocdoisong.vn) - Viêm da cơ địa có tính di truyền cao. Nếu ông bà, cha mẹ bị bệnh thì tỷ lệ di truyền sang thế hệ sau là rất lớn. ở những người bị viêm da cơ địa, làn da khá nhạy cảm, dễ bị dị ứng với những yếu tố bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Thành (Bắc Giang) bị khô da, ngứa. Khắp bề mặt hai bàn chân có những vết trầy xước do ngứa quá nên chị gãi ra. Nhìn chân chị có nhiều nốt mẩn đỏ, thậm chí còn bị phồng mụn nước, có người bảo chị bị ghẻ, người bảo chị bị bệnh hắc lào và mách chị chữa bằng đủ các phương pháp dân gian nhưng không khỏi. Vừa rồi đi khám, bác sĩ nói chị bị viêm da cơ địa, cho một số thuốc uống và bôi, chị về dùng thuốc, bệnh có đỡ nhưng vẫn không hết ngứa và khỏi rất chậm nên chị thấy sốt ruột.

Lời bàn: Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, HN) cho biết, viêm da cơ địa có tính di truyền cao.  Ở những người bị viêm da cơ địa, làn da khá nhạy cảm, dễ bị dị ứng với những yếu tố bên ngoài. Nếu môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi, nguồn nước bẩn, vệ sinh kém, tiếp xúc với nhiều hóa chất rất dễ mắc bệnh. Khi bị viêm da cơ địa, biểu hiện là ngứa ngáy ngoài da, da mẩn đỏ, xuất hiện các ban đỏ hình tròn, làn da lẩn mẩn, bong trợt có mụn nước. Người bệnh viêm da cơ địa ngứa ngáy, gãi nhiều cũng khiến da bị tổn thương, tạo vết nứt và đóng vảy. Để trị viêm da cơ địa cần đi khám để được dùng thuốc uống, thuốc bôi, bên cạnh đó có thể kết hợp điều trị bằng thuốc Nam cho nhanh khỏi. Có thể lấy 10 lá trầu không bánh tẻ, rửa sạch và đun lấy nước tắm hằng ngày. Nếu vùng chân ngứa nhiều, lấy 100g hành hoa đun với muối pha nước vệ sinh vùng da tổn thương. Để điều trị toàn thân lấy 1 nắm lá lược vàng, rửa sạch giã nát và chắt lấy nước cốt uống ngày 3 lần. Nước cốt lược vàng có chứa nhiều chất kháng khuẩn và chống oxy hóa giúp đẩy lùi viêm da cơ địa khá hiệu quả. Và điều quan trọng là phải kiên trì điều trị và tránh những yếu tố gây bệnh như các chất tẩy rửa, hóa chất....

PT ghi

Theo Đời sống
back to top