Trị viêm da cơ địa theo đông y

(khoahocdoisong.vn) - Viêm da cơ địa là một bệnh da hay gặp với các biểu hiện lâm sàng trên da như mụn nước, sẩn trên nền da đỏ, ranh giới không rõ, rỉ dịch...

Ai cũng có thể mắc bệnh

Hiện nay có rất nhiều người nội trợ tiếp xúc với xà phòng, hóa chất khiến tay bung hết da, chảy máu, đau rát. Tại BV da liễu Hà Nội có rất  nhiều người tới khám được bác sĩ chỉ định thuốc uống và bôi. Chị Trần Thị Thu (Hà Nội) mắc viêm da cơ địa nhiều năm, chị cho biết, bệnh của chị phát quanh năm nên mỗi khi làm việc nhà là phải đi găng tay. Cho tới giờ tay chị còn dị ứng với cả nước chứ không nói gì đến xà phòng, chất tẩy rửa. Chị thường xuyên phải dùng Locatop 0,1%, Physiogel, Skincare-U®, Neutasol®, Vaselin…Bôi thuốc nhiều khiến da tay mỏng và nhăn hết lại, cầm nắm là rát. Nhiều khi vẫn bôi thuốc và kiêng khem nước nôi nhưng da bong rầm rộ, rất khó chịu.

LY. Thu Hằng cho biết, viêm da cơ địa có tổn thương điển hình là da tay khô, tróc vẩy, đỏ, người bệnh thấy ngứa. Những người bị viêm da cơ địa thường trong gia đình có người thân mắc các bệnh do cơ địa như viêm mũi dị ứng, mày đay, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng…Viêm da cơ địa hay khởi phát từ tuổi nhũ nhi, trẻ nhỏ, thiếu niên (trước 18 tuổi), một số sẽ lành, một số khác tiếp diễn thành viêm da cơ địa người lớn. Thực tế, có nhiều người bệnh khởi phát viêm da mạn tính sau tuổi 18. 

Viêm da cơ địa có yếu tố di truyền. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh viêm da cơ địa. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em (khoảng 35%) hoặc do sức đề kháng của cơ thể kém hoặc ăn nhiều thực phẩm, gia vị có tính cay nóng. Những người mắc bệnh về gan làm cho gan bị tổn thương, không thực hiện được chức năng thải độc cũng dễ dẫn tới viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa dễ chuyển thành mãn tính, lúc này da trở nên dày, thâm, các vết nứt trên da gây chảy máu, người bệnh ngứa gãi nhiều. Thương tổn ở giai đoạn này hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân. Một số bệnh nhân còn mắc thêm các triệu chứng như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt, viêm ngứa họng, hen suyễn.

Lá đơn đỏ, sài đất hiệu quả với bệnh

Để phòng bệnh, người bệnh cần tránh tiếp xúc với các loại chất tẩy rửa, mỹ phẩm, hóa chất dễ gây dị ứng. Nên giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và vệ môi trường sống tốt. Theo LY Thu Hằng, để chữa căn bệnh này người dân các vùng miền hay dùng lá đơn đỏ (lá đơn tướng quân, lá đơn tía, liễu hai da, liễu đỏ…) để trị. Lá đơn đỏ có vị ngọt đắng, tính hàn mát với công dụng khu phong trừ thấp, thanh nhiệt, giảm đau lợi tiểu …

Người bệnh viêm da cơ địa dùng lá này sắc uống hoặc nấu lấy nước tắm lên vùng da bệnh. Những nơi không có lá đơn đỏ có thể dùng thay bằng lá sài đất bằng cách: làm sạch, vò nát và bôi lên vùng bị ngứa sẽ có tác dụng làm giảm nhanh cơn ngứa. Có thể sử dụng lá sài đất để tắm hàng ngày bởi sài đất lành tính, có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm các triệu chứng mẩn ngứa.

Theo Đời sống
back to top