Vẽ ngựa để chuyển tải thông điệp về con người

(khoahocdoisong.vn) - “Có người xem tranh ngựa xong bảo, chỉ là một tờ giấy thôi mà, sao đắt thế. Những người đó, sau có trả giá thế nào tôi cũng không bán. Nhưng lại có những người tôi sẵn sàng biếu không...”.

Video Họa sĩ Trần Huy Đức hoàn thành bức tranh ngựa trong 4 phút.

5 năm liền chỉ đi theo ngựa ký họa

Ngồi bệt bên đống màu, bút vẽ ngổn ngang, họa sĩ Trần Huy Đức cười ngượng nghịu: “Nhìn nơi vẽ của những họa sĩ chuyên nghiệp thú thực tôi cảm thấy rất xấu hổ. Tôi không hề có bảng vẽ. Chỉ có mấy tấm gỗ này, tấm to dành cho vẽ bức lớn, tấm nhỏ dành cho bức vẽ nhỏ, khi nào vẽ thì ngả ra đất thôi”.

Tùy vào kích thước bức tranh, họa sĩ Trần Huy Đức chọn ngả tấm tấm gỗ to hay bé xuống nền nhà.

Tùy vào kích thước bức tranh, họa sĩ Trần Huy Đức chọn ngả tấm tấm gỗ to hay bé xuống nền nhà.

Còn nhớ cách đây 5 năm, tôi tìm về Hải Phòng gặp ông – một họa sĩ chuyên vẽ về ngựa dành cho số báo Xuân năm Ngọ. Nhưng đến tận lần gặp này, tôi mới được nghe ông kể nguồn cơn dẫn ông tới nghiệp vẽ, và vẽ về ngựa.

“Bố một người bạn rất thân của tôi nhờ tôi vẽ lại một bức tranh ngựa của họa sĩ Trung Quốc. Nhìn bức tranh ngựa, tôi rất thích. Tôi hứa sẽ vẽ tặng cụ. Nhưng không ngờ, đến khi đặt bút vẽ thì tôi không vẽ được”.

Ông Đức nói, vẽ thủy mặc không hề đơn giản, không có vẽ nháp, đặt bút hỏng là hỏng luôn bức tranh. Và vẽ ngựa lại càng không đơn giản.

Bắt tay vào ông Đức mới thấy vẽ thủy mặc, vẽ ngựa không hề đơn giản.

Bắt tay vào ông Đức mới thấy vẽ thủy mặc, vẽ ngựa không hề đơn giản.

“Tôi nghĩ mình không thể vẽ một con ngựa xấu cho qua chuyện được. Tôi đến và nói với cụ rằng: Con xin lỗi bác, cho con có thêm thời gian”, ông Đức kể.

Thế là ông Đức bắt đầu việc vẽ theo đúng quy trình, bắt đầu từ việc ký họa ngựa. Bất cứ khi nào rảnh, ông lại lang thang ra các đồng cỏ đi theo những đàn ngựa, ký họa chúng. Công việc ký họa kéo dài 5 năm liền.

5 năm liền ông lang thang theo các đàn ngựa chỉ để ký họa, chứ chưa dám vẽ.

5 năm liền ông lang thang theo các đàn ngựa chỉ để ký họa, chứ chưa dám vẽ.

“Cũng nhờ vậy mà tôi hiểu về con ngựa, từ đời sống đến tâm tính, tình cảm của nó. Ngựa cũng có tâm hồn, tâm hồn ngựa, giống như tâm hồn người vậy. Tôi cảm thấy, nếu không vẽ về ngựa thì thật là đáng tiếc. Trong tôi dấy lên một niềm đam mê mới”.

Và rồi một ngày, ông quyết định mua 100 tờ giấy dó để vẽ. Nhưng ngay trong đêm đầu tiên đặt bút, ông đã vẽ hỏng 60 tờ. Ông quyết định dừng lại, không vẽ nữa.

Cuộc chơi đầy tốn kém

Cuộc sống mưu sinh không cho phép họa sĩ Trần Huy Đức toàn tâm toàn ý sống với đam mê của mình.

Năm đó, ông được cử làm đài trưởng tàu biển, một cơ hội mà theo nhiều người sẽ mang lại kinh tế khấm khá, “đổi đời” cho gia đình nhờ những chuyến hàng như bao người đi tàu lúc đó.

“Có câu nói rằng, nếu đi ra nước ngoài anh cúi mặt xuống thì khi về nước anh mới ngẩng mặt lên, tôi thấy rất đúng. Đi được mấy chuyến thì tôi xin cơ quan nghỉ việc. Nhiều người ngạc nhiên, không hiểu sao tôi lại làm vậy. Rất may, tôi có người vợ tuyệt vời, trong lúc gia cảnh túng bấn nhất cũng vẫn luôn ủng hộ quyết định của chồng”.

Ông Đức theo học nghề sơn, mở một cửa hàng sơn tư nhân. Kinh tế bớt khó khăn hơn, ông bắt đầu thực hiện tiếp đam mê vẽ ngựa của mình. Ông lại tiếp tục đi tới các đồng cỏ, miền quê, quan sát ngựa và vẽ.

Họa sĩ Trần Huy Đức thổi cả khát vọng, đam mê của mình vào những bức tranh.

Họa sĩ Trần Huy Đức thổi cả khát vọng, đam mê của mình vào những bức tranh.

Ông gọi đây là cuộc chơi đầy tốn kém. Một tờ giấy dó giá khoảng 10.000đ. 100 tờ giấy dó là 1 triệu đồng. Vậy mà như ngay đêm đầu tiên đã 60 tờ giấy ra đi. Đơn giản chỉ là tờ giấy, thỏi mực, cây bút thôi, nhưng nó thực sự là một thử thách đối với người kinh tế không dư dả như ông, thậm chí có lúc còn rất khó khăn. Và ông làm, trước hết vì đam mê, chứ không phải mục đích để nổi danh, hay kiếm tiền, dù có lúc, ông cũng đi bán tranh.

Cho tới năm nay là 30 năm ông vẽ ngựa. Nhưng trước đây, ông hoàn toàn âm thầm, hầu như không ai biết tới, mãi gần đây, khi có facebook, ông đưa tranh của mình lên, mọi người mới biết.

Khi tôi hoàn thành bức tranh ngựa tặng người bố bạn thân, nhìn vào mắt bác ấy, tôi biết, những năm tháng nỗ lực của tôi đã không uổng phí. Tôi cảm thấy hạnh phúc.

Có bức “hét” giá 300 triệu để không bán, không ngờ khách gật đầu

Kể về tấm chân tình của mọi người đối với mình, ông Đức kể: “Nhờ có sự động viên của mọi người, mà tôi được tiếp thêm sức mạnh. Trong đó, có Báo KH&ĐS. Số báo năm đó, tôi còn mua thêm nhiều cuốn tặng bạn bè. Cũng có nhiều người biết tới tôi hơn từ đây. Và bỗng dưng, tôi thấy cần cố gắng, để không phụ tình cảm của mọi người dành cho mình”.

Có lần, tôi rất bất ngờ là được họa sĩ Thành Chương tới thăm. Anh ấy bảo: . “Anh không có bằng cấp, anh thấy em là người không có bằng cấp anh rất quý. Vì thế anh muốn anh em mình gặp gỡ, giao lưu với nhau”.

Họa sĩ Huy Đức cho biết, cái khó nhất trong việc vẽ ngựa của ông là có họa sĩ Từ Bi Hồng nổi tiếng của Trung Quốc đã như trái núi đứng sừng sững trước mặt.

Ông Đức không dám bắt chước tranh Từ Bi Hồng dù chỉ một nét phẩy.

Ông Đức không dám bắt chước tranh Từ Bi Hồng dù chỉ một nét phẩy.

Nhưng ông chỉ xem, nghiên cứu, chứ không dám bắt chước cụ một nét phẩy nào. Và điều vui sướng nhất đối với họa sĩ, đó là ông được mọi người nhận ra trong những bức tranh ngựa của mình.

“Thực ra, tôi vẽ ngựa là để chuyển tải thông điệp về con người, từ nỗi vất vả gian truân của con ngựa kéo xe, cũng là nỗi nhọc nhằn của kiếp người, từ tình cảm mẹ con, hay lứa đôi quấn quýt, cũng là tình cảm của con người, cho tới nỗi đau của chú ngựa bên bạn trúng tên, cũng là nỗi đau của con người trước chiến tranh…”, ông Đức nói.

Tâm hồn ngựa được ông Đức chuyển tải vào trong tranh của mình.

Tâm hồn ngựa được ông Đức chuyển tải vào trong tranh của mình.

Ông Đức bảo, nhiều người nhận xét ngựa của ông có hồn, chính là tâm hồn ngựa. Và cũng chính vì điều này, vì những vất vả, nhọc nhằn suốt 30 năm theo đuổi đam mê, mà ông cũng rất kén người mua tranh của mình.

“Có những người xem tranh tôi qua mạng, hỏi giá, tôi nói giá họ mua liền. Nhưng cũng có người đến tận nơi xem rồi còn nói: Cũng chỉ là tờ giấy thôi mà, sao đắt thế. Những người đó, sau này, dù trả giá rất cao, tôi cũng không bán. Họ đâu hiểu rằng, để có được một bức vẽ thế này, là suốt mấy chục năm lăn lộn, tích lũy của người vẽ”, ông Đức chia sẻ.

Số tranh lọc ra từ hơn 30 năm tích lũy được ông Đức cất cẩn thận trong hòm.

Số tranh lọc ra từ hơn 30 năm tích lũy được ông Đức cất cẩn thận trong hòm.

Nhưng, lại có những người rất nghèo, ông Đức biết họ không có tiền, ông sẵn sàng tặng luôn. “Vì họ hiểu được cái hồn của bức tranh, hiểu tôi. Tính tới thời điểm này, số tranh tôi tặng cũng nhiều lắm”, ông Đức cười.

Ông ngả tấm bàn bé ra đất, vẽ tại chỗ cho tôi xem. Những nét bút mềm mại, phóng khoáng, chỉ thoáng chốc, một chú ngựa hiện ra.

Tôi nhìn ông, và chợt nhớ tới lời kết trong bài báo trước tôi đã viết về ông, có lẽ, đời sẽ vô nghĩa thật, nếu chẳng có một đam mê nào.

Bức tranh không bao giờ bán.

Bức tranh không bao giờ bán.

Theo Đời sống
back to top