Học làm họa sĩ ở... bảo tàng

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ với 20.000 - 30.000đ, khách tham quan bảo tàng có cơ hội tự tay “vẽ” tranh… Tranh sau khi tự “vẽ”, các “họa sĩ” được mang về như một món quà lưu niệm. 

Tận dụng những mẫu vật không dùng đến hoặc bị khiếm khuyết, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tạo ra những bức tranh nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Biến côn trùng, cỏ cây thành “màu vẽ”

PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, nhiều năm về trước, trong những chuyến công tác nước ngoài, ông bất ngờ phát hiện có một loại tranh rất độc đáo làm từ côn trùng, đặc biệt là từ những cánh bướm đầy màu sắc. Những bức tranh này không dùng màu, mực... để vẽ mà là tận dụng chính bản thân côn trùng để làm “màu vẽ”. Đó là những bức tranh sử dụng côn trùng thật đã được sấy khô. Những tác phẩm này rất được ưa chuộng và giá có thể lên tới hàng ngàn đô la Mỹ.

“Do yêu cầu thu thập mẫu vật để phục vụ nghiên cứu, trưng bày và giảng dạy, chúng tôi có hàng ngàn mẫu vật cả côn trùng lẫn thực vật. Hơn thế, trong quá trình thu thập, có một lượng không nhỏ mẫu vật bị khiếm khuyết, gẫy, hư hỏng hoặc không dùng đến, vứt đi quá phí. Tại sao không thử tận dụng chúng để làm tranh”, PGS.TS Vũ Văn Liên tâm sự.

Vậy là những tiêu bản côn trùng và thực vật này sẽ được các nhà khoa học gom lại để “tạo” tranh. Đầu tiên, các nhà khoa học thử nghiệm làm tranh Đông Hồ từ cánh bướm. Tranh Đông Hồ được sao chép trên giấy photo trắng, sau đó dùng panh gắp từng cánh bướm đính vào tranh Đông Hồ chép, sao cho màu sắc của cánh bướm đồng nhất hoặc gần với màu của tranh Đông Hồ gốc.

Bên cạnh dòng tranh Đông Hồ làm từ cánh bướm, các nhà khoa học còn cho ra đời những dòng tranh khác, sử dụng ngay những con bướm, bọ cánh cứng hay thực vật đã được sấy khô, sau đó đính vào tranh theo một chủ đề nào đó. Có thể là tranh thực vật riêng, tranh côn trùng riêng, hoặc là kết hợp cả thực vật và côn trùng trong cùng một bức.

“Có lần đi nước ngoài, thấy lá phong đỏ màu sắc đẹp rơi đầy đường, tôi gom chúng cho vào vali mang về nước. Nhiều người cười khi thấy một người đàn ông đi trên đường nhặt lá mang về. Thực ra là đều có mục đích. Lúc ấy tôi nghĩ đến bức tranh bướm nhấn nhá thêm vài chiếc lá phong đỏ. Chắc chắn sẽ là một bức tranh thiên nhiên đẹp mắt”, PGS.TS Vũ Đình Liên hóm hỉnh.

PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, nhiều năm về trước, trong những chuyến công tác nước ngoài, ông bất ngờ phát hiện có một loại tranh rất độc đáo làm từ côn trùng, đặc biệt là từ những cánh bướm đầy màu sắc.

PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, nhiều năm về trước, trong những chuyến công tác nước ngoài, ông bất ngờ phát hiện có một loại tranh rất độc đáo làm từ côn trùng, đặc biệt là từ những cánh bướm đầy màu sắc.

Trải nghiệm của những nhà khoa học tương lai

Không chỉ các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên “vẽ” tranh, bản thân khách tham quan đến Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng có cơ hội được trải nghiệm hoạt động này.

PGS.TS Vũ Văn Liên cho biết, năm 2014, Bảo tàng Thiên nhiên chính thức ra mắt Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới với gần 1.400 mẫu vật độc đáo tái hiện sự hình thành, tiến hóa và đa dạng của sự sống qua 3,6 tỷ năm. Khi thực hiện trưng bày, các nhà khoa học muốn tạo ra nhiều cách tiếp cận khác nhau để khách tham quan có cơ hội trải nghiệm cũng như tìm hiểu về thế giới tự nhiên bằng nhiều hình thức. Nó không đơn giản chỉ là ngắm nhìn hiện vật mà còn có thể tự mình khám phá, tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Chính vì thế, từ kinh nghiệm làm tranh từ côn trùng, thực vật, các nhà khoa học đã quyết định mở lớp học để hướng dẫn khách tham quan, nhất là khách tham quan nhí có cơ hội được trải nghiệm quá trình “vẽ” tranh với màu vẽ là côn trùng hoặc thực vật.

Nguyên liệu sẽ là những cánh bướm, bọ cánh cứng, lá cây, hoa quả ép khô, kim, miếng xốp nhỏ, bìa cứng... Trước khi được mang ra “vẽ”, nguyên liệu, nếu là những cánh bướm hay bọ cánh cứng, sẽ được làm ẩm cho mềm. Với nguyên liệu trong tay, các “họa sĩ” sẽ có cơ hội sáng tạo theo chủ đề có sẵn hoặc tự do sáng tạo theo cách mình thích.

Công đoạn “vẽ” tranh này mất khoảng 20 - 30 phút tùy thuộc vào độ khéo léo và khả năng thẩm mỹ của mỗi người. Các bức tranh cũng sẽ khác nhau, có người chỉ đơn giản là gắn một vài con bướm hay bọ cánh cứng vào miếng xốp, nhưng cũng có “họa sĩ” sáng tạo hơn, kết hợp cánh bướm với một chiếc lá hoặc vài nhành cây khô.

Sau khi “vẽ” xong, các chuyên gia của Bảo tàng sẽ sấy khô bức tranh, đóng thành khung hoặc ép plastic để các “họa sĩ” mang về nhà. Các bức tranh này có thể được treo trang trí hoặc làm quà lưu niệm. Phí cho một lần sáng tạo này là khoảng 20.000 - 30.000đ/bức tranh tiền mua nguyên vật liệu (khung tranh, miếng xốp) và công phục vụ.

“Các “họa sĩ” của chúng tôi chủ yếu là học sinh, thậm chí là cả các cháu mẫu giáo. Nhìn các cháu say sưa dùng cánh bướm, những chiếc lá, bông hoa có màu sắc đẹp để “vẽ” tranh, chúng tôi rất vui. Hoạt động này không chỉ là trải nghiệm cho khách tham quan mà thông qua trải nghiệm này, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu về thiên nhiên và nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, tạo động lực nghề nghiệp cho các cháu có thể trở thành những nhà khoa học tự nhiên trong tương lai”, PGS.TS Vũ Văn Liên chia sẻ.

PGS.TS Vũ Văn Liên bật mí: nếu không có cơ hội đến bảo tàng, người dân hoàn toàn có thể tự “vẽ” tranh ngay tại nhà.

PGS.TS Vũ Văn Liên bật mí: nếu không có cơ hội đến bảo tàng, người dân hoàn toàn có thể tự “vẽ” tranh ngay tại nhà.

Tự sáng tạo tại nhà

PGS.TS Vũ Văn Liên bật mí thêm, nếu không có cơ hội đến bảo tàng, người dân hoàn toàn có thể tự “vẽ” tranh ngay tại nhà. Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều côn trùng đẹp như bướm, bọ cánh cứng, hay những chiếc lá, bông hoa, chùm quả có màu sắc và hình dáng đẹp có thể giúp chúng ta làm nguyên liệu để “vẽ” tranh. Việc thu thập chúng là không quá khó. Bước đầu tiên là thu thập tiêu bản.

Với côn trùng, đầu tiên là chuẩn bị vợt, với lưới vợt mềm, ví dụ như vải màn để tránh làm côn trùng bị gãy, dập nát hay mất phấn (đối với bướm). Sau khi bắt xong thì bảo quản trong giấy báo hay giấy can hình tam giác để tránh côn trùng giãy giụa làm gãy râu, cánh, chân, hay mất phấn... Bước tiếp theo là làm khô, bằng cách phơi hoặc sấy khô; khi làm khô, nên tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời để hạn chế mất màu nhưng không được để quá khô, vì khi đó côn trùng bị giòn dễ gãy râu, gãy cánh...

Mẫu khô có thể bảo quản trong tủ lạnh, nếu bảo quản trong môi trường tự nhiên thì phải bảo quản chỗ khô thoáng, cho vào hộp gỗ hay nhựa có sử dụng băng phiến (chống côn trùng xâm nhập và phá hoại) và gói hút ẩm. Khi đưa ra để “vẽ” tranh, mẫu cần được làm ẩm lại để giúp quá trình làm tiêu bản không bị gãy, rụng do để khô.

Với thực vật cũng vậy, cả cây hoa lá ở khắp nơi trong cuộc sống chúng ta, bạn có thể lựa chọn những chiếc lá, cành cây, bông hoa và quả có màu sắc, hình thù độc đáo. Sau khi thu thập thì ép chúng vào tờ báo hay giấy nếu không khi khô chúng sẽ bị cong, sau đó phơi ngoài nắng nhẹ. Với quả, bạn có thể ngâm trong  dung dịch bảo quản để giữ màu cho quả và hình thái. Sau đó, với những nguyên liệu này, bạn có thể tha hồ “vẽ” tranh theo cách mà bạn muốn.

“Thông qua việc “vẽ” tranh từ côn trùng, thực vật, các “nghệ sĩ” sẽ có cơ hội tìm hiểu về thế giới tự nhiên và học cách yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên”.

PGS.TS Vũ Văn Liên

Theo Đời sống
back to top