Mới sinh con nên chị Lê Thị Quỳnh (Hà Nội) không có kinh nghiệm. Con vàng da mà chị tưởng do mình ăn nhiều xương hầm khoai tây, cà rốt nên con mới có làn da như vậy. Chỉ đến khi cô chăm sóc sau sinh đến tắm cho con nói thì chị mới biết con bị vàng da và đưa đi khám.
Lời bàn: BS Lê Trương Tuyết Minh, Khoa Nhi, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, vàng da sinh lý thường xuất hiện sau ngày thứ 3 khi trẻ mới sinh và hết vàng da trong vòng 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng da thường nhẹ, chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn. Còn vàng da bệnh lý xuất hiện trong 3 ngày đầu, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Vàng da kéo dài trên 14 ngày đối với trẻ đủ tháng và trên 21 ngày đối với trẻ sinh non. Vàng da lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân. Da màu vàng mạnh hơn (vàng xạm, không tươi hoặc vàng chanh), hoặc kết mạc mắt xuất hiện màu vàng. Lúc này cần đưa trẻ đi khám vì vàng da có thể khiến trẻ bỏ bú, bú kém hoặc nôn trớ. Trẻ ngủ khó đánh thức, bứt rứt hoặc kích thích, gồng cứng hoặc co giật (bệnh rất nặng). Xét nghiệm nồng độ bilirubin trong máu tăng cao > 12mg/dl (trẻ đủ tháng) và > 15mg/dl (trẻ non tháng). Vàng da bệnh lý nếu không được chữa trị có thể gặp một số biến chứng cấp, bệnh não cấp do tăng bilirubin có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ cùng nhiều tàn tật khác.