Uống lá dâu hạ đường huyết?

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân Đ.T.T. (56 tuổi, Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội) đến khám Đông y do nước ăn chân. Được chẩn đoán thấp chẩn. Điều trị nay bệnh đã giảm 70%, trong bài thuốc của bà thường dùng có vị lá dâu.

Trước đây bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe có phát hiện một số bệnh như trào ngược dạ dày, viêm họng, đường huyết cao 6,9mmol/l, viêm đa khớp dạng thấp, hai mắt khô, ho đờm trắng, loét miệng, hay ngứa về mùa đông xuân, đường máu cao, có chỉ định uống thuốc giảm đường huyết nhưng chưa uống. Có người bảo uống thử lá dâu cũng tốt, thế là bà làm theo. Sau một tuần đường huyết xuống 5,4mmol/l, uống tiếp một tuần nữa đường huyết xuống bình thường.

Uống một thời gian thì chứng trào ngược dạ dày và khô mắt cũng hết. Khi mắc chứng viêm họng, ho, bà không sắc mà hấp chín lá dâu tươi chấm muối ăn với cơm, sau một tuần bệnh cũng khỏi. Khi thời tiết thay đổi, đau hai khớp gối, tây y chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp, bà cũng đun lá dâu uống nay bệnh cũng hết. Với bệnh ngứa khắp người, bà ăn lá dâu cũng khỏi hẳn. Chỉ còn bệnh nước ăn kẽ ngón chân chưa khỏi, bà mới đến khám Đông y. 

Lá dâu trong Đông y gọi là tang diệp, sương tang diệp (lá dâu hái lúc còn sương), tiên tang diệp (lá dâu tươi), đông tang diệp (lá dâu hái cuối mùa thu, đầu mùa đông, loại lá dâu đã đủ chất). Trong Đông y dùng loại lá dâu bánh tẻ, phơi khô có màu xanh không vụn nát là loại tốt. Nhưng tốt nhất, thu hoạch vào mùa xuân khi lá dâu đang xanh tốt và cuối mùa thu lúc lá đã già đủ chất là thời điểm tốt nhất. Hái đúng hai thời điểm ấy gọi là “lá thần tiên”, trộn lẫn hai loại lá với nhau cho đều, sau khi đã phơi khô trong bóng râm (âm can) dùng làm thuốc là loại dược liệu rất quý. Tính vị qui kinh: Vị ngọt hơi đắng, tính hàn, vào hai kinh can (gan) và phế (phổi). Có tác dụng thanh và tán phong nhiệt, lương huyết, thanh can minh mục, thanh phế nhuận táo, làm thuốc sơ biểu giải nhiệt. Trị các chứng cảm phong nhiệt sốt cao, ho không có đờm, ho do lao nhiệt, đau đầu chóng mặt,  mắt đỏ, mắt mờ, nhuận táo. Ngày dùng 6 - 12g.

Bài thuốc Tang cúc ẩm: Tang diệp 12g, cúc hoa 12g, hạnh nhân 8g, liên kiều 12g, cát cánh 12g, cam thảo 4g, bạc hà 6g, cát căn 8g trị chứng phong ôn, phế nhiệt, sốt cao, ho đờm vàng. Ngày uống một thang, sắc uống 2 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Bài thuốc Nguyệt hoa hoàn: Tang diệp 16g, mạch môn 8g, thục địa 12g, sinh địa 12g, hoài sơn 12g, bách bộ 12g, sa sâm 12g, xuyên bối mẫu 8g, a giao 12g, phục linh 12g, cúc hoa 12g. Gia kha tử 12g, hắc táo nhân 16g, viễn chí 6g. Trị chứng phế âm hư sinh nội nhiệt. Ho đêm nhiều, ho khan không có đờm, tức ngực hoặc ho đêm có chất nhờn đặc dính lâu ngày uống kháng sinh không khỏi. Bài thuốc đã điều trị cho 62 bệnh nhân đều khỏi. Người uống ít nhất 7 thang, người uống nhiều nhất 21 thang. Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm. Đây là hai bài thuốc có lá dâu thường dùng. Lá dâu còn có trong nhiều bài thuốc khác, điều trị các chứng bệnh đã nói trên. Riêng trường hợp bà Đ.T.T. là cá biệt. Những người khác không nên áp dụng.

Lương y Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top