Đó là thông tin được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đưa ra trong hội thảo “Bước tiến mới trong kiểm soát và điều trị bệnh gan” tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội, nhân ngày viêm gan thế giới 28/7.
Theo báo cáo của Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF), có 840.000 ca mắc mới ung thư gan trên thế giới vào năm 2018 và Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về tỷ lệ mắc ung thư gan. Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018, Việt Nam có 25.335 ca ung thư gan mắc mới, chiếm 15.4%, đứng đẩu bảng trong tất cả các loại bệnh ung thư. Tử vong do ung thư gan có 25.404 trường hợp trong năm, chiếm 22.1% và cũng được xếp hạng thứ nhất trong tổng số các trường hợp tử vong do ung thư. Con số này cao gấp 3 lần tử vong do tai nạn giao thông.
Theo TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia về bệnh gan mật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, nguyên nhân khiến ung thư gan tăng chóng mặt trong những năm qua là do tình trạng nhiễm virus viêm gan cao, thói quen tiêu thụ rượu, bia nhiều, thực phẩm và môi trường sống tồn dư hóa chất bảo quản, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tình trạng tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc có thành phần paracetamol. Trong số các nguyên nhân đó, virus viêm gan B và C là vấn đề nổi cộm. Đây là hai loại virus gây ra hơn 80% ca bệnh ung thư gan được chẩn đoán hiện nay.
TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới có khoảng 325 triệu người, tương đương 4% số dân thế giới nhiễm virus viêm gan B và C. Còn ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B, C cao hơn nhiều, trung bình khoảng 10 - 15% dân số, trong đó có những tập dân cư có tỷ lệ nhiễm đến 33%, trong khi chỉ có khoảng 10% số người mắc được chẩn đoán và chỉ khoảng 30% người được chẩn đoán được điều trị.
TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Thành đã phân tích con đường từng bước bệnh gan chuyển thành ung thư gan, chia sẻ về phác đồ điều trị viêm gan B mạn tính, thành công được xem là hướng đi mới cho các bệnh nhân viêm gan, xơ gan ở Việt Nam, góp phần đẩy lùi ung thư gan.