Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ
Ung thư âm hộ là ung thư xảy ra trên mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ. Âm hộ là vùng da bao quanh niệu đạo và âm đạo, bao gồm âm vật và môi lớn, môi bé.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ bao gồm:
Lớn tuổi: Nguy cơ mắc bệnh gia tăng với tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Độ tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 65.
Có tổn thương tân sinh trong biểu mô âm hộ (VIN): Đây là những tổn thương tiền ung. Hầu hết phụ nữ có tổn thương này sẽ không phát triển thành ung thư, nhưng một số ít tiếp tục phát triển thành ung thư âm hộ xâm lấn. Vì thế nên điều trị để loại bỏ những vùng có tế bào bất thường và theo dõi định kỳ sau đó.
Bác sĩ Tiến và các đồng nghiệp khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM trong một ca mổ cho bệnh nhân. Ảnh: N.T VNE. |
Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV: thường type 6-11..). Đây là virus lây lan qua đường tình dục và là yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và âm hộ. Thường gặp ở những người quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình. Thường các trường hợp nhiễm virus HPV sẽ tự khỏi, tuy nhiên các trường hợp nhiễm kéo dài, virus có thể gây biến đổi tế bào, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các thương tổn tiền ung thư và cuối cùng tiến triển đến ung thư.
Hút thuốc lá
Tình trạng suy giảm miễn dịch: như ở các bệnh nhân ghép tạng cần xài thuốc ức chế miễn dịch hay nhiễm HIV.
Sự thay đổi của da: như bệnh Lychen phẳng làm da mỏng và ngứa , cũng làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ.
Những triệu chứng cần lưu ý
Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa. Vị trí ung thư âm hộ thường gặp nhất là ở môi lớn. Các vị trí khác như môi nhỏ, âm vật hay các tuyến âm đạo thì ít gặp hơn. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường gặp ở người lớn tuổi.
Ung thư âm hộ thường phát triển chậm. Các tế bào bất thường có thể phát triển ở da âm hộ trong nhiều năm. Bệnh lý này được gọi là tân sinh trong biểu mô âm hộ (VIN). Các tổn thương này sẽ phát triển thành ung thư âm hộ nên cần được điều trị sớm.
Ung thư âm hộ ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng. Nếu có bất kỳ triệu chứng như: Bướu ở âm hộ; Da âm hộ có biểu hiện bất thường như thay đổi màu sắc, có mụn cóc hay loét không lành; Ngứa âm hộ kéo dài; Xuất huyết âm đạo bất thường không liên quan chu kỳ kinh; Cảm giác căng tức vùng âm hộ thì nên đi khám.
Việc điều trị ung thư âm hộ tùy thuộc vào loại mô bướu, giai đoạn bệnh, sức khỏe và mong muốn của bệnh nhân.
Trong giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Khối u còn nhỏ thì chỉ cần cắt bỏ u và một ít mô lành xung quanh. Đối với những tổn thương tiền ung thư có thể phẫu thuật cắt bỏ vùng da bất thường hay bôi Kem Imiquimod 5%.
Khi bướu to hơn hoặc giai đoạn trễ, bướu có xâm lấn ra ngoài âm hộ và di căn đến hạch bẹn 2 bên thì cần thiết phải cắt âm hộ và nạo vét hạch bẹn, kết hợp với xạ trị và hóa trị.
Sau khi hoàn tất điều trị, nên định kỳ theo dõi để phát hiện sự tái phát ung thư. Vì ngay cả sau khi điều trị thành công, ung thư âm hộ có thể trở lại.
Ung thư âm hộ là căn bệnh diễn tiến thầm lặng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người phụ nữ. Vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh rất quan trọng. Chị em cần đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động và tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Có thể phòng ngừa ung thư âm hộ bằng cách: Thực hành tình dục an toàn. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Hạn chế số bạn tình để giảm nguy cơ nhiễm HPV; Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV; Khám phụ khoa định kỳ.
BS CKII Nguyễn Văn Tiến (Trưởng Khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu TPHCM)