Đừng lo thiếu công bằng, hãy tập trung thi tốt nghiệp THPT cho tốt
Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã áp dụng phương thức tuyển thẳng học sinh trường chuyên hoặc ưu tiên xét tuyển đối với các chứng chỉ quốc tế. Điều này, khiến nhiều học sinh băn khoăn về việc sẽ gây mất công bằng, cơ hội cho các thí sinh khác.
Trả lời câu hỏi này của các thí sinh trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển theo phương thức kết hợp. Do đó, chứng chỉ quốc tế là một phần của phương thức xét tuyển kết hợp mà thôi. Điều đó, không có nghĩa có chứng chỉ quốc tế là được vào trường, mà vẫn phải thi và sẽ lấy từ cao xuống thấp. Như vậy, chứng chỉ quốc tế chỉ như ngưỡng đầu vào.
“Nhìn chung, các em không cần phải lo lắng, cứ tập trung thi cho tốt. Chứng chỉ quốc tế không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh tổng thể của mỗi trường", PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế một xu hướng lành mạnh, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn, cho dù những năm gần đây phổ biến và có gây tranh cãi.
Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa tuyển thẳng là theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Còn xét tuyển chứng chỉ quốc tế là tùy theo đề án tuyển sinh từng trường. Hiện nay, nhiều học sinh hay nhầm rằng các trường tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ quốc tế. Thực tế, đa số các trường coi chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ độc lập, có chất lượng nhất định, là một căn cứ đáng tin cậy để họ xem xét sử dụng, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.
Phương thức xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm chỉ tiêu nhỏ, không lấy mất cơ hội của các em. Các trường vẫn dành chứng chỉ quốc tế cho những chuyên ngành, chương trình đòi hỏi tiếng Anh. Cho dù không có chứng chỉ quốc tế, các em vẫn có cơ hội thi vào các chương trình tiên tiến, chất lượng cao bằng các phương thức xét tuyển khác.
Khi trúng tuyển vào trường rồi, các em sẽ có thời gian tích lũy để lấy được chứng chỉ. Do đó, sử dụng phương thức tuyển bằng chứng chỉ quốc tế không có gì tiêu cực.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Hiệu phó Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, chứng chỉ quốc tế là một lợi thế, nhưng không phải tất cả, vì các phương thức xét tuyển khác. Hiện nay, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn chiếm đa số chỉ tiêu của các trường. Còn có thể hiểu chứng chỉ quốc tế như IELTS như "tấm vé gửi xe" để qua được "vòng gửi xe" sơ tuyển mà thôi.
Tuyển thẳng học sinh trường chuyên do nhiều lý do
Về vấn đề tuyển thẳng học sinh trường chuyên liệu có gây mất công bằng, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhìn một cách tổng thể, khi các trường đại học đưa ra chính sách tuyển sinh như vậy là căn cứ vào kết quả học tập của thí sinh của trường chuyên.
Thực tế cho thấy, các học sinh trường chuyên khi trúng tuyển đại học, dù là tuyển thẳng hay không tuyển thẳng, thì mặt bằng vẫn tốt hơn học sinh các trường phổ thông. Đó là lý do các trường đại học đưa ra phương thức tuyển sinh như vậy.
Qua đây cũng phải nhìn lại, nếu như việc này kéo dài thì các trường THPT bình thường cũng phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Khi chất lượng tốt nghiệp của học sinh giữa trường chuyên và trường thường không chênh lệch nhiều, thì các trường đạ học sẽ phải điều chỉnh lại.
Còn hiện nay, theo thống kê của bộ phận đào tạo của các trường sau khi thí sinh trúng tuyển thì các học sinh xuất phát từ các trường chuyên có lực học và đáp ứng được chương trình đào tạo tốt hơn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn từ trường chuyên cũng cao hơn so với trường thường. Đó là lý do các trường đại học đặt nhiều niềm tin hơn vào học sinh trường chuyên.
Theo ông Thảo, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tư vấn của trường chuyên dường như chu đáo và tốt hơn với trường thường. Đây là bài toán cung – cầu. Khi đơn vị tuyển sinh mong muốn nhận được thí sinh có chất lượng, học tập tốt, ra trường thành đạt. Chứ còn cào bằng thì không phải là chính sách để có thể cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho xã hội.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính kể câu chuyện “vui vui”, đó là khi xét tuyển ưu tiên trường chuyên thì nhiều người cho rằng, trường chuyên chỉ học môn chuyên, những môn kia học lệch, không nên tuyển như vậy. Hỏi ra mới biết, xưa các thí sinh này cũng thi vào trường chuyên nhưng đã trượt.
Tức là đôi khi chúng ta cũng có mong muốn như người khác. Nhưng khi người khác vào được thì ta lại tìm những cơ hội khác để làm giảm cơ hội, uy tín của họ. Theo ông được biết, một số trường của Mỹ ưu tiên xét tuyển thí sinh có giải võ thuật, bóng đá... Bởi họ quan niệm rằng, những người giỏi về một lĩnh vực nào đó, tức là có đam mê. Với những trường cần tố chất đó, họ sẽ tuyển bằng được. Còn vào có học được hay không là cả một quá trình.
Theo TS Nguyễn Đào Tùng, thí sinh không nên lo về sự công bằng trong tuyển đầu vào. Quan trọng là vào trường có học được không, chẳng hạn, học 60 môn có qua hết được 60 môn không? Điều này phụ thuộc vào tiêu chí đầu ra của các trường để các trường đưa ra các tiêu chí ban đầu nhằm giảm bớt nguồn lực cho xã hội. Ví dụ, với những bạn có tiếng Anh rồi, khi vào trường, trường sẽ đỡ phải đào tạo tiếng Anh, thay vào đó, đào tạo lĩnh vực khác. Cho nên, các học sinh phải quen với việc có nhiều kỹ năng và nhiều hình thức tuyển đầu vào.