Nuôi con từ nhỏ đến lớn, chị Thu Dương (Thái Bình) rất hay tận dụng các loại cây quanh nhà làm thuốc. Con sốt, chị ra vặt nắm nhọ nồi rửa sạch, giã nát vắt nước cho uống. Nếu bong gân chị lấy lá láng hơ lửa cho ấm rồi đắp vào chỗ bong gân. Nếu chẳng may con viêm họng, chị cấu chút lá rẻ quạt cho con nhai dập và ngậm nuốt nước dần. Với các chữa này, các con chị gần như không phải dùng thuốc. Vừa rồi con trai lớn của chị đi học về bị cảm nắng, mồ hôi túa ra, chị nấu bát cháo tía tô cho con ăn, nào ngờ con hạ nhiệt, mồ hôi túa nhiều hơn, người lạnh, chị phải xoa bóp, làm nóng người cho cháu một lúc mới đỡ.
Lời bàn: Lương y Hoàng Xuân (Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, do hàm lượng các chất dinh dưỡng trong tía tô khá cao, thêm vào đó tía tô còn chứa nhiều vitamin A, C và các chất canxi, sắt, photpho nên được làm rau gia vị vừa bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, vừa có hương vị nhẹ dịu, thích hợp để chế biến các món ăn. Khi bị cảm, nhân dân hay dùng tía tô, hành lá nấu cháo thịt cho bệnh nhân ăn để giải cảm. Tuy nhiên, khi bị cảm nóng, ra mồ hôi nhiều không nên dùng lá tía tô vì các dược tính trong tía tô giúp kích thích tiết mồ hôi, gây hạ nhiệt. Lưu ý cây thuốc này chỉ có tác dụng trị chứng cảm không ra mồ hôi.
PT ghi