Những cái chết “tức tưởi” vì chủ quan
Chị Ngô Thị T. 33 tuổi (Tân Yên – Bắc Giang) đã trút hơi thở cuối cùng sau khi lên cơn dại ngày 4/3/2018. Nhà chị T. vốn làm nghề giết, mổ chó. Tháng 12/2017, chị T. không may bị một con chó mua về chờ làm thịt cắn vào cẳng chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu. Nghe lời mách bảo, chị T. nhờ chồng đưa chị tới nhà ông lang thử chó dại. Và thầy lang nói chị T. không bị dại.
Tuy biết mức độ của việc nhiễm bệnh dại nhưng chị T. lo sợ nếu tiêm phòng vắc-xin dại, chị sẽ mất sữa và đứa con nhỏ của chị không được bú sữa mẹ. Chồng chị T. đã đưa chị đi tiêm phòng dại tại Viện Vệ sinh dịch tễ nhưng chị T. khăng khăng từ chối vì tin vào lời thầy lang cộng với việc lo mất sữa, chị T. đã nhảy khỏi xe máy của chồng trên đường đưa chị tới Viện.
Hơn 10 ngày trước khi chị T. mất, chị bị đau chân, chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Khi đưa chị T. lên bệnh viện địa phương và sau đó lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ cho biết dấu hiện của chị T. là dấu hiệu lên cơn dại. Sau khi xuất hiện triệu chứng co giật do bị nhiễm virut dại 2 ngày, chị T. đã tử vong.
Trường hợp thứ 2 tử vong do bệnh dại ngày 4/3/2018 là chị Phan Thị C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội). Chị C. là bác sĩ thú y tại một phòng khám thú y tư nhân tại tỉnh Phú Thọ. Cách đây 1,5 tháng, trong lúc đang làm việc, chị C. bị chó ốm cắn vào tay phải. Ngay sau đó, bác sĩ C. đã tự sơ cứu, rửa vết thương, sát khuẩn và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết, tuy nhiên bệnh nhân vẫn không tiêm phòng vắc-xin dại vì chị chẩn đoán chó chết do bị viêm đường hô hấp trên.
Tiêm vắc-xin phòng dại là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất
Chưa có bất cứ bài thuốc Đông y nào thử và chữa được bệnh dại
Thầy thuốc Nhân dân Trần Văn Bản – Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cũng khẳng định: Hiện nay, trong nước cũng như thế giới, chưa có một bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố sẽ chữa được bệnh dại. Các biện pháp cạo da, dùng các bài thuốc làm từ lá cây của các thầy lang bôi vào da để thử dại.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết: Virut dại vốn là virut ẩn không thể xét nghiệm khi nạn nhân chưa phát bệnh. Khi phát bệnh dại cũng là lúc bệnh nhân đối diện với cái chết. Đây là vấn đề từ lâu vẫn làm đau đầu các nhà khoa học thế giới. Hàng năm, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận từ 10 – 15 trường hợp được chuyển tới BV trong tình trạng đã phát bệnh dại. Hiện nay, chỉ có một cách duy nhất để không bị tử vong sau khi bị chó mèo cắn là tiêm phòng bệnh dại. Bộ Y tế khẳng định: Vắc-xin dại an toàn với sức khỏe, không ảnh hưởng tới sữa mẹ và trẻ nhỏ bú sữa mẹ nếu tiêm vắc-xin dại.
Theo BS. Cấp, người bị chó dại cắn, nếu không tiêm phòng có thể bị phát bệnh dại trong vòng 3-6 tháng. Rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn hoặc sau vài năm mới phát bệnh. Khi phát bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Thể viêm não và thể liệt.
Với thể viêm não, người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi vết cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ.
Ngoài ra đồng tử sẽ giãn nên nhìn mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
Bệnh nhân khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi cũng rất sợ. Nguyên do virut dại làm tăng hoạt tính hệ NMDA trong não, làm tăng khả năng nhận kích thích của tế bào não. Khi đó những âm thanh, ánh sáng bình thường nhưng có thể tác động giống như tiếng sét, ánh chớp với người bệnh.
Với thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân tử vong.
BV Bệnh Nhiệt đới từng tiếp nhận một bé trai 7 tuổi từ Phú Thọ chuyển xuống do mắc bệnh dại. Khi lên cơn, bé tìm cách chui vào gầm giường nằm vì sợ ánh sáng và không nói được thành tiếng. Đáng tiếc, sau 2 ngày nhập viện, cháu bé tử vong.
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virut, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh như chó, mèo, chồn, cáo.
Theo BS. Cấp, không phải 100% số người bị cắn đều phát bệnh dại mà có người bị, người không, tùy thuộc lượng virut trong nước bọt chó nhiều hay ít, vết thương sâu hay không làm rách da.
Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung tử vong gần 100%. Cách duy nhất để phòng bệnh là tiêm vắc-xin phòng dại.
Theo số liệu cập nhật từ đầu năm tới nay, cả nước có 33 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, tương đương với cùng thời điểm năm 2017 (33 ca). Các trường hợp tử vong xảy ra tại các tỉnh: Kon Tum (4), Lào Cai (04), Hòa Bình (03), Cà Mau (03), Tuyên Quang (02), Kiên Giang (02), Đăk Lăk (02), Hà Nội (02).Yên Bái (01), Vĩnh Phúc (01), Nghệ An (01), Điên Biên (01), Quảng Ngãi (01), Bắc Giang (01), Thái Nguyên (01), Thanh Hóa (01), Bến Tre (01), Bình Phước (01) và Lạng Sơn (01)
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine.
Người dân khi bị chó nghi dại cắn, phải tiêm vắc-xin phòng dại càng sớm càng tốt
Theo SKĐS