Từ mỳ, miến nhiễm ethylene oxide đến nỗi lo thực phẩm chế biến công nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Ireland thu hồi mỳ gói Hảo Hảo, miến Good và Na Uy thu hồi mỳ khô vị gà Thiên Hương vì nhiễm ethylene oxide. Nhiều người tiêu dùng lo ngại trong sản phẩm mỳ, miến nói riêng và các loại thực phẩm chế biến công nghiệp nói chung tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho sức khỏe.

Vì sao ethylene oxide có trong mỳ, miến?

Theo TS Phan Thế Đồng, giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Hoa Sen (TPHCM), ethylene oxide là một chất khí không màu và rất dễ cháy. Đây là một chất hữu cơ rất dễ tham gia vào các phản ứng nên được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp điều chế nhiều loại hợp chất khác nhau.

Ethylne oxide thường được sử dụng làm chất tham gia vào các phản ứng để sản xuất chất chống đông như ethylene glycol, chất tẩy rửa để sát khuẩn bề mặt, chất kết dính cho sản xuất nhựa PET (nhựa dùng làm chai đóng nước uống), hàng dệt may, các chất ổn định cấu trúc cho thực phẩm...

Về tác hại, ethylene oxide được xem là một chất có nguy cơ rất cao, có khả năng gây đột biến, ung thư và là chất khí gây mê. Vì vậy, ethylene oxide không có trong danh mục phụ gia thực phẩm, tức là không được phép sử dụng trực tiếp vào thực phẩm. Tuy nhiên, hợp chất này được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước và rất hiệu quả để chống lại côn trùng, mối mọt cho nông sản bằng biện pháp xông hơi hoặc khử khuẩn trên bề mặt đặc biệt là các loại thảo mộc, các loại hạt khô và gia vị phơi khô như ớt bộ, tiêu, quế...

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland ban hành lệnh thu hồi các sản phẩm mỳ ăn liền do nhiễm ethylene oxide.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland ban hành lệnh thu hồi các sản phẩm mỳ ăn liền do nhiễm ethylene oxide. 

Như vậy theo TS Phan Thế Đồng, sự có mặt của ethylene oxide trong sản phẩm mỳ ăn liền có thể được đánh giá là do lây nhiễm chứ không phải do nhà sản xuất dùng làm phụ gia. Nguồn lây nhiễm có thể từ chất tẩy rửa dụng cụ, thiết bị trong dây chuyền sản xuất, nhưng cũng có thể từ dư lượng trong các thành phần gia vị hoặc dư lượng trong chất phụ gia dùng làm chất ổn định cấu trúc.

Phân tích thêm về ethylene oxide, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, ethylene oxide là chất sát trùng độc hại, có khả năng gây ung thư nếu tồn đọng trong cơ thể trong thời gian dài. Chất này được dùng chủ yếu để khử khuẩn cho các dụng cụ y tế vì là chất khí, có thể len lỏi vào tất cả các góc, khe của dụng cụ và sát khuẩn hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, có thể chất ethylene oxide có trong lớp nilon dẻo dán bên trong bao bì đựng mỳ, miến mà công ty mua của nước ngoài sản xuất sẵn từng cuộn. Nhà sản xuất bao bì đã khử trùng bao bì bằng ethylene oxide để tránh nhiễm vi sinh. Khi sử dụng bao bì này đóng gói mỳ, miến có thể vẫn còn dư lượng chất ethylene oxide và nhiễm sang thực phẩm mỳ, miến.

Chất ethylene oxide có trong lớp nilon dẻo dán bên trong bao bì đựng mỳ, miến nên ethylene oxide có thể nhiễm sang thực phẩm mỳ, miến. (Ảnh minh họa)
Chất ethylene oxide có trong lớp nilon dẻo dán bên trong bao bì đựng mỳ, miến nên ethylene oxide có thể nhiễm sang thực phẩm mỳ, miến. (Ảnh minh họa)

Khả năng thứ hai là do hiện nay một số nước vẫn cho phép sử dụng chất ethylene oxide để khử trùng cho một số loại gia vị như hạt tiêu, hành, ớt khô, thảo quả... dẫn đến chất ethylene oxide có thể có trong gói gia vị được phối trộn từ những thành phần gia vị trên và khi nấu mỳ, miến cho gói gia vị này vào nên sản phẩm có chất ethylene oxide.

Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (The Food Safety Authority of Ireland - FSAI), việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm ethylene oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng về lâu dài có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng. Danh sách thu hồi của FSAI tại thời điểm đó bao gồm 2 sản phẩm của Việt Nam là mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), 1 sản phẩm của Trung Quốc là mỳ Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022).

Ethylene oxide không thuộc danh mục có mặt trong thực phẩm

Văn phòng Thông báo và Điểm Hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam cũng đã thông báo cho Bộ Công Thương về cảnh báo của Liên minh châu Âu đối với sản phẩm Mỳ khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương. Ngay sau đó, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm Mỳ khô vị bò gà để đánh giá sự xuất hiện chất cấm ethylene oxide (E410)

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide đối với một số sản phẩm Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm Mỳ khô vị bò gà.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mỳ Hảo Hảo và miến Good của Acecook. 

Theo Luật An toàn Thực phẩm Việt Nam, sản xuất thực phẩm là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), ethylene oxide là chất cấm, không nằm trong danh mục các chất được có mặt trong thực phẩm, gồm: Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm tại Thông tư 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế trong sản phẩm; Danh mục Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019; Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam tại Thông tư 05/2018/TT-BYT ngày 5/4/2018... 

Theo VietnamDaily
Đau ở đâu báo bệnh ở đó?

Đau nhức cơ thể, vì sao?

Tình trạng đau nhức cơ thể có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau: nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số loại thuốc nhất định... Xác định được nguyên nhân chính xác gây đau để có biện pháp kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả.
back to top