Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Y tế.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính xem xét lại giá dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư 37. Trước đây, giá dịch vụ y tế quá thấp, nhiều năm không điều chỉnh, nhưng khi điều chỉnh tại Thông tư 37 thì lại quá đà, đặc biệt lưu ý nhóm dịch vụ y tế kỹ thuật cao, nhất là giá dịch vụ sử dụng thiết bị y tế xã hội hóa, không để cao hơn giá trị thực.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tính toán lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 – 2020 phù hợp chi tiêu theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ nhưng phải hợp lý, đảm bảo kiểm soát mức chi trả, kiểm soát Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ y tế là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế tại Nghị định số 16 của Chính phủ, góp phần tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị bảo đảm chi thường xuyên, giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (TPHCM khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng…).
Việc bội chi Quỹ BHYT thời gian qua là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí khám chữa bệnh (do điều chỉnh giá bước 2 – tính lương vào giá khám chữa bệnh) và thời gian qua Chính phủ chưa cho phép điều chỉnh mức đóng BHYT nên phải sử dụng Quỹ dự phòng khám chữa bệnh để bù đắp bội chi.
Sau khi Bộ Y tế họp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, các bên đã thống nhất tới tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 và các cơ quan này sẽ tiếp tục khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng: Cắt giảm dịch vụ không cần thiết, sắp xếp số dịch vụ hiện nay thành khoảng 2.000-3.000 dịch vụ khám chữa bệnh, ban hành định mức và xây dựng giá của các dịch vụ này.
Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo với Phó Thủ tướng.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 01/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đ), và chi phí quản lý.
Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đ là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Đánh giá việc điều chỉnh mức giá tác động đến Quỹ BHYT, Bộ Y tế cho biết: sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 – tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.
Thúy Nga