Lan truyền từ nhiều đường tới bụng
Lao màng bụng chiếm tỷ lệ 6,5% trong các thể lao ngoài phổi và đứng thứ 6 sau lao màng phổi, lao hạch, lao xương khớp, lao màng não, lao thanh quản. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở tuổi dưới 40, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20 – 30. Nữ giới bị nhiễm nhiều hơn nam.
Có nhiều con đường để vi khuẩn lao lan tràn đến màng bụng: Đường máu (là đường lan tràn chính của vi khuẩn); đường bạch huyết (từ tổn thương lao ở ruột, ở hạch mạc treo, màng phổi theo hệ thống bạch huyết vi khuẩn lao lan tràn tới màng bụng); đường tiếp cận (tổn thương lao ở đường tiêu hóa như ở ruột, hạch mạc treo hoặc ở đường sinh dục như ở tử cung, buồng trứng, vòi trứng… tiến triển, vi khuẩn xâm nhập vào màng bụng).
Khi lao xâm nhập đến màng bụng, lúc đầu ở phúc mạc có những hạt nhỏ do khuẩn lao gây ra cùng với phản ứng xuất tiết nước của phúc mạc. Trên toàn bộ bề mặt hai lá màng bụng có những nốt kê, là những nốt nhỏ như đầu đinh ghim, màu trắng, đều nhau, rải rác hoặc tụ lại thành từng đám. Dần dần các hạt nhỏ đó sẽ bã đậu hóa và ngạch kết hóa.
Những đám bã đậu do các tổn thương lao nhuyễn hóa. Đôi khi các đám bã đậu này khu trú lại thành ổ áp xe, phá ra thành bụng hoặc rò ra bụng. Tổn thương xơ, những dải xơ, đám xơ ở thành bụng gây dính và co kéo màng bụng và các cơ quan trong ổ bụng.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Quân y 354
Diễn biến nhanh và nguy hiểm
Lao màng bụng có diễn biến rất nhanh với 3 thể đặc trưng: Cổ trướng, bã đậu hóa và ngạch kết. Cổ trướng là thể nhẹ nhất nhưng diễn biến nhanh lúc người bệnh đi khám đã thấy xuất hiện thể bã đậu và ngạch kết gây xơ dính phải can thiệp bằng ngoại khoa, tiên lượng xấu.
Thể cổ trướng: Biểu hiện của tình trạng nhiễm khuẩn lao. Người bệnh sốt nhẹ, kéo dài 37 – 380C, thường từ chiều và đêm, ăn uống kém, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, gầy sút và mệt mỏi. Đau bụng âm ỉ, kéo dài, hoặc đau từng cơn, vị trí đau không rõ ràng. Bụng trướng, đi ngoài phân lúc lỏng, lúc táo bón.
Thăm khám có thể thấy hạch nhỏ mềm di động, không đau ở dọc cơ ức – đòn – chũm nếu có hạch cần kiểm tra xem có lao hạch phối hợp không. Khám bụng phát hiện cổ chướng cần phải thăm khám lâm sàng toàn diện để phát hiện tổn thương lao ở các nơi khác: Phế mạc (tràn dịch màng phổi), tràn dịch màng ngoài tim. Trong một số trường hợp nặng có thể gặp tổn thương lao ở màng bụng, màng phổi, màng tim, màng não gọi là lao đa màng, tiên lượng xấu điều trị rất khó khăn. Thể cổ trướng là thể nhẹ nhất, diễn biến và tiên lượng tốt. Người bệnh có thể khỏi hoàn toàn, nếu không điều trị chuyển sang thể bã đậu hóa.
Thể bã đậu hóa: Đó là trường hợp phúc mạc có từng vùng dính thành từng mảng cứng, trong các mảng cứng đó có dính với mạc nối lớn với các quai ruột. Biểu hiện, người bệnh sốt liên tục kéo dài, có những đợt sốt 39 – 400C; thể trạng suy sụp, mệt mỏi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ; đau bụng từng cơn, có khi dữ dội; buồn nôn, nôn; rối loạn tiêu hóa kéo dài như tiêu chảy, xen kẽ những đợt táo bón; ở nữ giới có thể rối loạn kinh nguyệt như thống kinh, rong kinh, vô kinh; bụng chướng to nhưng không đối xứng, khi ấn vào thành bụng bệnh nhân có cảm giác đau tăng. Đây là một thể nặng, bệnh nhân có thể tử vong do suy mòn, do các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa. Bệnh nhân càng trầm trọng hơn khi có dấu hiệu lao phổi, lao các cơ quan khác.
Thể ngạch kết: Đây là thể nặng nhất. Người bệnh bị hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc mạn tính. So với thể cổ trướng và thể loét bã đậu, trong thể này các dấu hiệu sốt, mệt mỏi… có xu hướng thuyên giảm nhưng tình trạng xơ dính toàn bộ phúc mạc với các tạng bên trong của ổ bụng. Biểu hiện bằng các triệu chứng như xoắn ruột, bán tắc, hoặc tắc ruột hoàn toàn. Thể này thường biến chuyển nặng dễ dẫn tới tử vong.
BSCK II Vũ Đức Chung
(Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 354)