Trước kỳ thi vào lớp 10: Phụ huynh “ngồi trên lửa”

Kỳ thi vào lớp 10 đã đến gần trong khi học sinh nhiều địa phương đang học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh như “ngồi trên đống lửa” trước kỳ thi vào lớp 10 đang đến gần trong khi con vẫn học online, kết quả học tập sa sút.

Cả năm con học online, phụ huynh lo đến “mất ăn mất ngủ”

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã “chốt” chỉ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ.

Quyết định này được Sở GD&ĐT đưa ra dựa trên thực tế tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp; học sinh lớp 9 THCS chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp đã phải học trực tuyến hầu hết thời gian trong năm học.

thi-vao-lop-10-2021.jpg
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi vào lớp 10.

Việc tổ chức thi tuyển 3 môn nhằm "tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, hầu hết các thầy cô hiệu trưởng trường THPT, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng trường THCS đều đề xuất phương án tổ chức thi 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ.

Việc Hà Nội chỉ cho thi 3 môn vào lớp 10 đã khiến nhiều phụ huynh “thở phào” khi cả một năm học, các học sinh hầu như chỉ học online. Nếu thi thêm môn thứ 4 vào lớp 10 sẽ thêm nhiều áp lực. Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, sau một năm hầu như chỉ học online, kết quả học tập sa sút, thì dù chỉ thi 3 môn cũng vẫn là nỗi lo “mất ăn mất ngủ”.

Chị Phạm Thanh Trà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, sau khi nhận kết quả thi giữa kỳ của con mà chị “choáng”.

“Điểm Toán và Văn đều dưới trung bình. Điểm tiếng Anh thì nhích cao hơn một chút. Năm ngoái, điểm vào trường mà tôi định đăng ký cho con trai cao vời vợi. Với điểm như thế này, tôi nghĩ con trượt cả trường lấy điểm thấp nhất chứ đừng nói gì trường “hot”. Những ngày gần đây, nghĩ đến chuyện thi cử của con mà tôi mất ngủ”, chị Trà buồn rầu.

Một số phụ huynh chia sẻ, sau quãng thời gian con học online, kiến thức con bị hổng rất nhiều. Có con sa vào chơi game, lười học… Biết vậy, nhưng giờ không uốn con lại nổi. Bố mẹ cũng phải đi làm, không có thời gian ở nhà kèm cặp con. Kỳ thi lớp 10 đã rất cận kề, bố mẹ lo mà cũng không biết phải làm thế nào cho thực sự hiệu quả trong thời gian “chạy nước rút” như thế này.

Cần sự “ba đồng hành” trong giai đoạn này

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, cô Hoàng Phương Mai, giáo viên môn Ngữ văn một trường THCS     ở Hà Nội cho biết, sau thời gian dài học trực tuyến, vừa rồi trường tổ chức cho học sinh lớp 9 đến trường kiểm tra giữa kỳ trực tiếp thì giáo viên “choáng” khi nhận kết quả của học sinh.

“Có đến 3/4 lớp có có điểm từ 0,25 - 3.75. Sau thời gian dài học trực tuyến, không đươc truy bài, mọi kỹ năng của học sinh bị “rơi rụng” đi đâu hết, từ việc đọc đề đến trình bày bài, chia dung lượng thời gian làm bài đều vô cùng kém. Nhiều học sinh vốn học rất tốt thì giờ khi kiểm tra cũng nhầm lẫn linh tinh, sai những lỗi rất không đáng”, cô Mai nói.

Các giáo viên cho biết, họ cũng cảm thấy “sốc” và rất lo lắng trước thực tế này của học sinh, trong khi đó, kỳ thi cuối cấp đang đến rất gần.

Cô giáo Đỗ Phương Nam, Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội chia sẻ, cô hoàn toàn thông cảm với những lo lắng của phụ huynh.

Mỗi năm, bước vào giai đoạn “nước rút” này, cô luôn nhận được rất nhiều chia sẻ, tâm tư của phụ huynh cũng như giáo viên trước kỳ thi quan trọng. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học sinh phải học trực tuyến hầu như cả năm học thì nỗi lo lắng ấy là có cơ sở. Bởi chất lượng học online không thể bằng được so với học trực tiếp. Qua kiểm tra giữa kỳ 2 vừa rồi thì nhiều giáo viên cũng cảm thấy bối rối, không biết làm thế nào để “vực” học sinh lên được.

Theo cô Nam, trong lúc này, cần sự nỗ lực cả ở 3 phía: Giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo đó, trò cần phải được đến trường, giáo viên cho học sinh truy bài và lấy lại các kỹ năng làm bài cần thiết, bù đắp kiến thức hổng.

Phụ huynh phải hết sức sát sao, đôn đốc và đồng hành cùng con. Mỗi gia đình đều có những sự bận rộn riêng, tuy nhiên, cần phải ưu tiên những việc quan trọng trong từng giai đoạn cụ thể. Và trong giai đoạn này, một trong những việc cần ưu tiên nhất, đó chính là việc học của các con.

“Tuy nhiên, tuyệt đối không được gây áp lực cho con, mà nên phối hợp với giáo viên để biết chỗ nào con còn yếu, đồng hành khắc phục từng điểm một. Đặc biệt, trong việc chọn trường, cũng tùy vào khả năng của con mà chọn cho phù hợp. Không nên “với” quá cao, hoặc chọn trường chỉ vì “sĩ diện” của cha mẹ. Từ đó sẽ khiến con bị áp lực mà sau này, khi kết quả nhận được không như ý sẽ rất vất vả cho cả bố mẹ lẫn các em”, cô Nam nói.

Về phía học sinh, cô Nam cho biết, các em cũng cần phải có sự nỗ lực cao nhất trong lúc này, khắc phục mọi hạn chế từ việc học online. Sự quyết tâm, ý chí của các em rất quan trọng. Bởi nếu các em không cố gắng, thì dù thầy cô hay phụ huynh có cố gắng đến đâu cũng sẽ không thể có được kết quả tốt.

Cô Lê Hà, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội cũng cho hay, sự hợp tác của học sinh là rất quan trọng.

“Việc học là cả một quá trình, không phải giờ mới “vắt chân lên cổ” thì không kịp. Tuy nhiên, với những học sinh bị hổng kiến thức nhiều thì cần có sự nỗ lực gấp 2, gấp 3. Hiện nay, các giáo viên cũng đang rất cố gắng để bù đắp những phần kiến thức còn “hổng” cho học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em có hợp tác để cùng “vá” hay không”, cô Hà cho hay.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, lịch thi vào lớp 10 trên địa bàn dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 20/6/2022. Tuy nhiên, một số giáo viên cho hay, nên lùi thời gian thi vào lớp 10 sang tháng 7 như năm 2020. Lý do là để cho học sinh có thêm thời gian ôn tập, rèn các kỹ năng làm bài sau quãng thời gian dài học trực tuyến, nhất là đối với những học sinh ý thức tự học chưa cao.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top