Trời rét, cẩn thận viêm phổi trở nặng nguy hiểm

Rét lạnh, không chỉ có trẻ nhỏ mà đối tượng người cao tuổi, nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo bị viêm phổi trở nặng với các triệu chứng bệnh âm thầm nhưng diễn tiến nhanh, phức tạp, biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy cơ tử vong cận kề.

BS Vũ Thị Huyền, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho không ít trường hợp bị viêm phổi trở nặng nguy hiểm. Như bệnh nhân Đinh Thị X. (79 tuổi) trú tại phường Hà Lầm, TP.Hạ Long. Bà X. ở nhà mệt mỏi nhiều, ho có đờm đục kèm sốt gần 1 tuần, sưng đau khớp gối 2 bên, uống thuốc không thuyên giảm nên được người thân đưa vào viện cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm đáy phổi phải.

Theo BS Vũ Thị Huyền, trường hợp của bà X. nhập viện đã kề cận nguy hiểm, suy giảm chức năng hô hấp, cơ thể suy nhược do không ăn uống được, lại bị nhiều bệnh lý nền, như: đợt gout cấp gây sưng đau khớp, đái tháo đường... Đặc biệt, bệnh nhân còn bị dị ứng kháng sinh.

Không chỉ bệnh nhân X. mà gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi với chẩn đoán viêm phổi. Số ca viêm phổi ghi nhận có xu hướng cao hơn so với thời điểm này hàng năm, nguyên nhân có thể do thời tiết giao mùa kéo dài, thay đổi thất thường.

Thăm khám cho bệnh nhân X.

Thăm khám cho bệnh nhân X.

Đa số các trường hợp này ban đầu chỉ là triệu chứng cúm thông thường, như: sốt, đau nhức người, ho, nghẹt mũi…, tuy nhiên sau đó tiến triển nặng rất nhanh, khi nhập viện đã khó thở, đau tức ngực, người mê man. Thậm chí đã có trường hợp viêm phổi nặng biến chứng ARDS, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng phải nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.

Viêm phổi ở người lớn tuổi ít khởi phát đột ngột mà thường âm ỉ, đôi khi không có biểu hiện rõ ràng, triệu chứng không điển hình. Đa số các trường hợp chỉ sốt, kèm theo chảy mũi, ho thúng thắng, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong mùa mưa rét. Người già, người có sức đề kháng kém thường có biểu hiện thở gấp, có tiếng khò khè và có thể khó thở, đôi khi cũng chỉ biểu hiện bằng thay đổi tri giác, chán ăn, nguy cơ tiến triển xấu nhanh.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí là suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm; do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào); do hít sặc (thức ăn, nước ao hồ); do khí độc (hơi xăng dầu); do ít vận động, nằm lâu.

Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm hoặc sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp trên, niêm mạc đường dẫn khí hô hấp bị tổn thương làm cho vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập, tấn công vào phổi và gây bệnh.

Điều đáng lo ngại nhất ở người cao tuổi bị viêm phổi do virus vì những người này thường có bệnh lý mạn tính đi kèm và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Vì vậy, bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh khi có dấu hiệu bệnh bất thường không nên chủ quan mà phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện kịp thời.

Phòng ngừa viêm phổi ở người cao tuổi khi trời lạnh

- Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vắc-xin ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm.

- Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.

- Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xức người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

- Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng.

- Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

- Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia.

- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

- Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ…

- Những thói quen tốt này sẽ giúp cho sức khỏe và hệ miễn dịch tăng lên, vừa giúp ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời giúp kiểm soát được bệnh mãn tính kèm theo.

- Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi, nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top