Trò học gì từ những người thầy coi gian dối là "bình thường"?

(khoahocdoisong.vn) - Sau những rúng động về gian lận thi cử, kỳ thi Tốt nghiệp THPT đang có những hy vọng vào sự minh bạch. Nhưng thật bất ngờ, ngay tại Thủ đô, một người thầy đã thản nhiên coi sự tiếp tay cho gian dối là bình thường.

Thầy giáo nói việc tung lời giải cho trò khi thi là "khá bình thường”

Ngày 29/5, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi online để khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 nhằm giúp học sinh được cọ xát để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đồng thời, giáo viên bộ môn nắm được những điểm còn hạn chế của học sinh và có các biện pháp bồi dưỡng kịp thời.

Học sinh được làm bài kiểm tra tại nhà, ngoài giờ học trên lớp. Điểm kiểm tra khảo sát cũng không bắt buộc phải lấy, mà tùy tình hình cụ thể, nhà trường có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ.

Tuy nhiên, ngay sau khi kỳ thi diễn ra, trên mạng xã hội lan truyền tố cáo đối với thầy dạy toán có tên N.T.Đ. Được biết, đây là môt thầy giáo dạy toán online nổi tiếng ở Hà Nội với gần 360.000 người theo dõi trên trang cá nhân. Nội dung tố cáo cho hay, thày giáo này đã giúp học sinh của mình gian lận trong kỳ thi online của Sở GD&ĐT.

Cụ thể, nội dung tố cáo viết: "Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức thi thử online ngày hôm qua. Trong thời gian thi, một thầy giáo đã cho trợ giảng của mình giải đề và đăng lên facebook cho các bạn học sinh đang thi điền. Không xét đến tính chất của kì thi này vì đây là kỳ thi online nên buộc phải chấp nhận những tiêu cực đó nhưng xét trên phương diện một người thầy thì hành động tiếp tay cho học sinh gian lận trong thi cử là sai hoàn toàn.

Công bằng ở đâu cho những bạn học thật, thi thật nếu sáng thứ 2 đi học, kẻ gian lận được 10 điểm "vỗ mặt" những người cất công 90 phút ngồi làm bài. Ý nghĩa của kì thi lại bị chính những người được gọi là thầy mang ra để làm trò truyền thông cho với những điểm ảo".

Trao đổi với báo chí về việc này, thầy N.T.Đ. xác nhận có việc để cho trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án cho học sinh.

Tuy nhiên, thầy Đ. cho rằng, việc làm của mình là “bình thường”. Lý do là vì đây chỉ là kỳ thi thử online. Kỳ thi bắt đầu từ 19h30 đến 22h ngày 29/5. Khi tham dự kỳ thi, học sinh hoàn toàn có thể thoải mái trao đổi bài. Nhiều giáo viên khác cũng có thể kịp đăng tải đáp án lên sớm cho học trò và không khó để điền đúng 100%.

Nếu là gian lận phải đem lại lợi ích gì về chuyện điểm số. Trong khi ở bài thi này, nhiều trường không hề lấy điểm. Điều quan trọng nhất là học sinh có thể tham khảo được dạng đề để luyện tập. 

Thầy Đ. cho rằng, đúng hay sai là do cách nhìn nhận của mỗi người. Đối với bản thân, thầy thấy thế là tốt cho học sinh của mình.

Trò sẽ vào đời như thế nào với bài học gian dối?

Trong phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Hòa Bình vừa qua, một hình ảnh gây phẫn nộ trong dư luận, đó là một số bị cáo rời phiên tòa với nụ cười tươi rói, thậm chí còn giơ tay vẫy chào người thân.

Cùng với đó, là câu nói gây “bão” dư luận: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" của cựu trưởng phòng khảo thí; Cộng thêm rất nhiều những chối tội, quanh co với những lý do như vì thương học trò, nể nang… đã khiến dư luận mất nhiều niềm tin vào những người thầy; người cô, những người giữ trách nhiệm giữ nghiêm minh, công bằng trong kỳ thi.

Các bị cáo cũng đã phải nhận bản án thích đáng cho mình. Và có bản án được cho là còn nặng nề hơn, đó là bản án từ dư luận. Hình ảnh những bị cáo trong vụ án gian lận thi cử liên tục cập nhật trên các phương tiện truyền thông, kèm theo đó, là biết bao lời phân tích, chê trách gay gắt từ người dân cho đến các chuyên gia, đồng nghiệp của họ.

Tất cả, những tưởng sẽ là lời răn, cảnh báo cho tất cả những người làm thầy, làm cô, sẽ phải có trách nhiệm hơn trong công việc của mình, dù có muốn gian lận thì cũng sẽ nhìn những “vết nhơ” của đồng nghiệp mà biết sợ. Đặc biệt là trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT sắp tới.

Thế nhưng, không ngờ, ngay tại Hà Nội, trong một kỳ thi khảo sát, dù là thi thử, thì cũng nhằm để biết chất lượng thực của học trò, một thầy giáo lại thản nhiên tiếp tay cho học trò gian lận. Và đáng buồn, đáng sợ hơn, khi bị phản ứng thầy lại cho rằng đó là một việc làm “bình thường”.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay giao về cho các địa phương tổ chức, đã có rất nhiều nghi ngại về sự lặp lại vụ việc như kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Một trong những lý do “trấn an” được đưa ra, đó là Bộ GD&ĐT đã tăng cường rất nhiều những giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn, minh bạch.

Nhưng giải pháp dù tốt đến đâu, nếu như người thực hiện không tốt, thì cũng là vô nghĩa.

Việc của thầy giáo N.T.Đ. do bị “tố” mà cũng mới được phơi bày. Và điều đáng lo ngại nhất, là không chỉ có thầy Đ., mà theo thông tin cho thấy, còn nhiều thầy cô khác cũng có hành vi tương tự trong đợt thi khảo sát này.

Không hiểu, những học trò sẽ vào đời như thế nào với bài học gian dối từ các thầy cô, với tư duy coi sự gian dối là bình thường? Và kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, liệu có giữ được sự minh bạch, công bằng cho tất cả các thí sinh, khi mà, không biết còn biết bao nhiêu người thầy, người cô lại coi sự gian dối là "bình thường" như thế nữa?

Liên quan tới vụ việc thầy giáo dạy toán online tung lời giải lên mạng khi học sinh lớp 12 Hà Nội đang làm bài kiểm tra khảo sát chất lượng, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp Công an TP Hà Nội làm rõ. Ngoài thầy Đ., theo phản ánh trên mạng xã hội, còn nhiều giáo viên dạy online khác đã tung ra đáp án hoặc livestream. Nhiều người thậm chí đã quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội trước đợt khảo sát chất lượng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với công an làm rõ vụ việc ngay sau khi nắm bắt thông tin.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top