Được cho là một vũ khí mới, nhưng tên lửa này cùng loại với loại vũ khí đạn đạo thuộc dự án Juche mà Triều Tiên đã thử nghiệm vài ngày trước. Tên gọi dự án tên lửa tầm gần “Juche” đề cập đến Tư tưởng tự lực tự cường của Bắc Triều Tiên. Tên lửa “Juche” có cấu trúc thiết kế bên ngoài tương tự như tên lửa mới được thử nghiệm ngày 10.08.2019.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-Un đã đích thân theo dõi vụ phóng thử tên lửa thử nghiệm này.
Truyền hình KCNA đưa ra tuyên bố về cuộc thử nghiệm tên lửa mới ngày 17.08.2019, khi công bố một bài bình luận lên án cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc. Đây cũng là lần thử nghiệm thứ 6 kể từ ngày 25.07.2019, khi Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa tầm gần lần đầu tiên sau chuyến thăm lịch sử của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bài bình luận viết, đây là sự đáp trả về những vi phạm của Mỹ và Hàn Quốc đối với tuyên bố chung DPRK-U.S lịch sử. Trong đó có các cam kết thành lập một mối quan hệ DPRK-U.S, xây dựng cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Kênh KCNA, trích dẫn phát biểu của các chuyên gia quân sự - địa chính trị quốc tế giấu tên bình luận về cuộc diễn tập quân sự chung, cho rằng khẳng định động thái này không có lợi cho việc xây dựng lòng tin các bên, gây ra sự phản đối quyết liệt của DPRK, khi Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục coi DPRK một kẻ thù tưởng tượng và tiếp tục làm căng thẳng tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Bài bình luận của KCNA cho rằng, mọi cuộc tập trận quân sự luôn được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thực sự.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng tuyên bố: “Triều Tiên đã thực hiện các cam kết của mình, nhưng Mỹ và Hàn Quốc thì không. Không có luật pháp hoặc thông lệ quốc tế nào quy định rằng một bên liên quan có thể bỏ qua các cam kết và chỉ có chúng tôi phải thực hiện".
Bản tin của KCNA nhấn mạnh câu trả lời cho việc loại bỏ tất cả các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp đối với an ninh của Triều Tiên là phát triển các phương tiện chiến đấu mạnh mẽ, triển khai vũ khí trang bị cho một cuộc chiến thực sự. "Mỹ nên nhớ rằng, những cảnh báo thường xuyên của Bình Nhưỡng không phải là những lời nói suông" - bản tin của KCNA tuyên bố.
Theo kênh truyền hình Triều Tiên, những tên lửa được phóng thử nghiệm ngày 17.08.2019, tương tự như vụ phóng thử nghiệm ngày 10.08.2019 là một "hệ thống vũ khí hoàn toàn mới". Điểm thú vị là xe phóng và đầu đạn tương tự như vũ khí tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ.
Chủ tịch Kim Jong Un theo dõi vụ phóng tên lửa tầm gần dự án “Juche”. Ảnh Yonhap |
Bà Kim Ji-yeon, biên tập viên kênh truyền hình Arirang TV ở Seoun (Hàn Quốc) giải thích: Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm "hệ thống vũ khí mới" khác với những hệ thống đang có trong biên chế. Mỗi xe phóng đạn có thể mang theo 2 quả tên lửa. Tên lửa và hệ thống phóng tương tự như hệ thống tên lửa chiến thuật đất đối đất ATACMS của quân đội Mỹ. Đầu đạn có thể mang theo hàng trăm quả đạn thứ cấp, được phóng ra trong giai đoạn bay xuống cuối cùng, tấn công một khu vực rộng lớn khoảng bằng ba đến bốn sân bóng đá, phá hủy hoặc tiêu diệt hoàn toàn sinh lực trong vùng tấn công.
Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, những tên lửa mới của Triều Tiên có những tính năng kỹ chiến thuật hoàn toàn mới và có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35A, phá hủy đường băng các sân bay không quân quan trọng ở Hàn Quốc,.
Tên lửa này rất khó đánh chặn do bay khá thấp, độ cao chỉ khoảng 48 km, trong khi tốc độ bay tối đa rất cao, lên tới gần Mach 6.1, tương đương khoảng 7,466 km/h.
Ngày 12.08.2019, tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, những tên lửa này khác hoàn toàn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn khác mà Triều Tiên đã phóng vào mùa hè năm 2019, những tên lửa trước đây có thể bị vô hiệu hóa bằng hệ thống chống tên lửa Patriot của Mỹ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Hàn Quốc - ông Cheong Wa Dae - bác bỏ tuyên bố của quân đội Hàn Quốc, khẳng định tên lửa tầm gần của Triều Tiên có thể bị chặn bởi các hệ thống chống tên lửa Patriot.
Theo những bức ảnh được công bố, các chuyên gia cho rằng, tên lửa của Bắc Triều Tiên có đường kích 400 mm, lớn hơn các tên lửa có đường kính 300 milimet được thấy cho đến nay. Loại tên lửa này có khả năng tấn công chính xác hơn và gây tổn thất lớn hơn so với các tên lửa tầm gần trước đây.
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa tầm gần, có cấu trúc tương tự tên lửa chiến thuật Mỹ. Video ARIRANG NEWS