Trẻ Việt học phonics trước độ tuổi lớp 1 không hiệu quả

(khoahocdoisong.vn) - Theo các giảng viên tiếng Anh, việc học phonics trước độ tuổi trẻ vào lớp 1 sẽ không hiệu quả như trẻ nói tiếng Anh bản ngữ. Các phụ huynh không nên vì tâm lý “sính ngoại” mà bị lợi dụng.

Tốt cho "Tây" nhưng chưa chắc đã hợp với "Ta"

Chỉ cần gõ chữ “học phonics” trên mạng sẽ cho ra cả ngàn kết quả về phương pháp này, trong đó, không ít là của các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ.

Nhiều bậc phụ huynh không tiếc tiền, đầu tư cho con, thậm chí là cho bé từ 2 – 3 tuổi theo học phương pháp này với kỳ vọng con sẽ học, nói được tiếng Anh giống như người bản ngữ. Cho trẻ càng học sớm thì càng hiệu quả.

Mới đây, KH&ĐS cũng nhận được thư của độc giả khiếu nại về group Bố mẹ yêu con 1 (Bmyc1) với hơn 52 ngàn thành viên cũng có sử dụng phương pháp dạy phonics đối với các bé ở lứa tuổi trước khi vào lớp 1.

Vậy, có nên cho trẻ học phonics hay không? Trao đổi với KH&ĐS, TS Nguyễn Hương Giang, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, tác giả của cuốn sách “Mẹ Việt giúp con học tốt tiếng Anh” chia sẻ, để đánh giá về phương pháp phonics, trước tiên phải hiểu: Phonics là gì?

Phonics là phương pháp dạy đọc và viết tiếng Anh bằng cách phát triển nhận thức về ngữ âm (phonemic awareness - khả năng nghe và vận dụng các bộ âm vị) của người học thông qua sự tương hợp giữa âm thanh và chữ viết.

Mục đích của phonics là để giúp trẻ từ 3 - 8 tuổi học đọc và viết.

Đối với người học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) hoặc như một  ngôn ngữ thứ 2 (ESL) thì ưu điểm của phonics là: Hữu ích với đối tượng mới bắt đầu làm quen với bảng chữ cái và học sinh ở các nước không dùng bảng chữ cái giống bảng chữ cái tiếng Anh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Người học phonics có thể đọc được những từ mới chưa biết nghĩa dựa vào nguyên tắc của âm thanh và ghép vần.

Tuy nhiên, đối với người bản ngữ, phonics giúp trẻ nhận ra cách đọc và viết của các từ mà chúng đã dùng trong giao tiếp hằng ngày.

Còn đối với trẻ bắt đầu học tiếng Anh như ngoại ngữ thì không có nền từ vựng này. Vì vậy, phonics đối với đối tượng này không đem lại hiệu quả như trẻ nói tiếng Anh bản ngữ (không đáp ứng được việc đọc hiểu).

Ngoài ra, tiếng Anh có khá nhiều ngoại lệ so với các nguyên tắc ghép vần và phát âm nên nếu trẻ không nắm hết được những ngoại lệ này có thể sẽ dẫn đến phát âm sai.

Chẳng hạn như chữ "c" trong tiếng Anh có các âm khác nhau là /k/ trong từ cat, candy,... nhưng là /s/ trong từ city, concert...  Mà đối với trẻ thì việc học các quy tắc luôn nhàm chán.

Đây cũng chính là nhược điểm của phương pháp phonics. Từ phân tích của TS Nguyễn Hương Giang có thể thấy, phonics tốt cho "Tây" nhưng chưa chắc đã phù hợp với "Ta".

Lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của phụ huynh

Đồng tình với quan điểm của TS Nguyễn Hương Giang, cô giáo T.H., giảng viên Khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội cho hay, đối với học sinh tiểu học, khi các em biết chữ rồi sẽ là một lợi thế rất tốt cho việc học ngoại ngữ. Vì lúc đó học sinh sẽ định hình được con chữ, biết xếp từ ngữ, rồi âm ra làm sao.

Còn nếu học sinh chưa biết được các từ, các âm, nguyên âm, phụ âm, chỉ học theo vô thức thì chỉ cho kết quả tạm thời tại thời điểm đấy chứ không hề lâu dài.

“Tôi biết có những trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam dạy phonics cho trẻ từ 4 - 5 tuổi, thậm chí còn nhỏ hơn. Thực sự ở tuổi này, các con phát âm chỉ là do quen tai, quen mắt, quen miệng.

Các trung tâm này đã lợi dụng tâm lý của các phụ huynh sính “Tây”, sính “ngoại”, tưởng cứ theo “Tây” là tốt mà không biết rằng, phương pháp đó áp dụng với trẻ người bản xứ hiệu quả sẽ khác, mà với trẻ người Việt sẽ khác để thu lợi nhuận”, cô T.H. nói.

Cô T.H. cũng cho biết, ở nước ngoài, họ cũng dạy trẻ theo đúng độ tuổi, không hề dạy trước chương trình. Việc dạy trước chương trình là phản khoa học.

Đối với những bậc cha mẹ có con dưới 6 tuổi mà vẫn muốn học tiếng Anh, các bậc phụ huynh có thể cho con nghe bài hát tiếng Anh, truyện tiếng Anh cho quen tai, hoặc cho các con xem các hình ảnh để cho các làm quen, nhận thức sớm về tiếng Anh.

Còn chỉ khi trẻ đã vào lớp 1, ít nhất là hết học kỳ 1 lớp 1, khi các con đã biết chữ, thì việc học tiếng Anh mới đạt được hiệu quả.

Đối với những quảng cáo trẻ có thể nói tiêng Anh song ngữ chỉ sau một năm với thời lượng mỗi ngày 30 phút học theo app dạy tiếng Anh, TS Nguyễn Hương Giang cho biết, theo Linguistic Society of America thì trẻ song ngữ rơi vào 2 trường hợp:

Trường hợp 1 là bố mẹ nói ngôn ngữ khác nhau (ví dụ: Bố nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt; gia đình sống ở môi trường ngôn ngữ tiếng Anh nhưng mẹ quyết tâm dạy và giao tiếp với con bằng tiếng Việt nên con sẽ giao tiếp được cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt). Trường hợp 2 là bố mẹ nói cùng ngôn ngữ nhưng gia đình sống ở môi trường ngôn ngữ khác (ví dụ như bố mẹ đều nói tiếng Việt nhưng gia đình sống ở Mỹ thì con sẽ song ngữ Anh - Việt).

Liên hệ đến trường hợp: Bố mẹ nói tiếng Việt, con sống ở Việt Nam trong môi trường giao tiếp tiếng Việt bản ngữ thì việc trở thành người nói song ngữ Anh - Việt sau 1 năm học tiếng Anh mỗi ngày 30 phút qua các thiết bị điện tử thì liệu có thể khả thi không hay chỉ là quảng cáo ảo?

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top