Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ cuối: 18 tuổi đã tàn phế vì hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

(khoahocdoisong.vn) - Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (HTVKCXĐ) gây tàn phế nhanh chóng và không có phương pháp chữa khỏi. Đáng lo ngại là bệnh ngày càng trẻ hóa. Thủ phạm là do lạm dụng rượu, bia và hút thuốc lá.

Đau đớn và tàn phế khi mới đôi mươi

Anh Nguyễn Văn T. (18 tuổi, Hưng Yên) có biểu hiện đau khớp háng. Anh chỉ nghĩ do chấn thương khi nhẩy qua mương nên không đi khám. Sau đó đau ngày càng tăng, anh đi đắp thuốc, châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc khắp nơi mà không đỡ. Hơn 1 năm sau anh không ngồi được, đi lại khó khăn, đi khám mới biết bị HTVKCXĐ.

Anh Trần Mạnh Q. (27 tuổi, Nam Định) bị đau khớp háng do HTVKCXĐ từ 3 năm nay. Anh đã điều trị nhiều đợt nội khoa nhưng không thấy đỡ. Chân anh bị teo và co rút phần mềm nặng dẫn đến tàn phế hoàn toàn. Dù chưa đến tuổi được chỉ định thay khớp nhưng các bác sĩ đã mổ thay cả hai khớp háng toàn phần cho anh.

TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, HTVKCXĐ hay còn gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.

Trước đây bệnh gặp nhiều nhất ở độ tuổi trung niên (40 - 50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (nam chiếm 80%) nhưng hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa: những người 20 - 30 tuổi bị bệnh ngày càng gia tăng.

Thủ phạm chủ yếu gây HTVKCXĐ sớm ở nam là do lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá quá nhiều, đây là yếu tố chính làm tổn thương, viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch (mạch máu nhỏ) nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần.

Bên cạnh đó, HTVKCXĐ là do chấn thương tại khớp háng (trật khớp háng, gãy cổ xương đùi), bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân làm hầm mỏ), bệnh lý tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ...), ghép tạng, bệnh lí tăng đông và bệnh tắc mạch tự phát, đái tháo đường, lạm dụng thuốc có chứa corticoid.

Chưa có phương pháp chữa khỏi

Theo TS Nguyễn Quốc Dũng, HTVKCXĐ có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, tỷ lệ 2 bên chiếm từ 30 – 50% các trường hợp. Ở giai đoạn sớm bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn muộn hơn, triệu chứng chính là đau khớp háng bên tổn thương. Đau thường xuất hiện từ từ, tăng dần, đau tăng lên khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân thường không có các biểu hiện toàn thân như sốt… trừ các triệu chứng của bệnh nền nếu có (lupus ban đỏ…).

Lúc đầu, vận động khớp háng không hạn chế, sau hạn chế biên độ, bệnh nhân ngồi xổm khó khăn hoặc không ngồi được, không xoay hoặc dạng khép háng bình thường được, trong khi gấp duỗi gần như bình thường. Giai đoạn muộn khớp háng hạn chế vận động tất cả các động tác - người bệnh đi đứng khó khăn, thậm trí tàn phế không đi lại được, chỏm bẹp và bán sai khớp sẽ dẫn đến ngắn chi và biến dạng chi dưới co rút phần mềm và teo cơ gây tàn phế.

Để điều trị, đối với người già, nếu hư nhiều quá bác sĩ sẽ thay khớp háng nhân tạo. Còn với người trẻ, nếu thay khớp háng thì trong tương lai 15 - 20 năm có thể sẽ phải thay lại khớp háng mới do khớp cũ bị hư.

Kỹ thuật thay lại khớp háng nói chung là phức tạp và nguy cơ cao, vì vậy có rất nhiều biện pháp phẫu thuật nhằm cứu vãn nguy cơ hư chỏm xương đùi như ghép xương xốp sau khi khoan giải áp, ghép xương mào chậu có cuống mạch máu nuôi, ghép xương mác có cuống mạch máu, ghép tế bào gốc.

Tuy vậy, cho đến nay không có phương pháp nào đạt hiệu quả cao. Khi chỏm xương đùi đã bị méo và biến dạng thì biện pháp cuối cùng là thay khớp.

“Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là ở giai đoạn cấu trúc giải phẫu của chỏm xương đùi còn nguyên vẹn là lý tưởng vì dù sao, một khớp háng thật vẫn tốt hơn là sử dụng khớp háng nhân tạo. Để dự phòng HTVKCXĐ cần bỏ rượu và thuốc lá…”- PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng Phân môn Chấn thương - Chỉnh hình, Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.
Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top