Trẻ béo phì tăng nguy cơ đái tháo đường gần 3 lần

(khoahocdoisong.vn) - Một thiếu niên bị béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp 2,73 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sớm cao hơn 2,19 lần và tình trạng sức khỏe kém cao hơn 1,57 lần ở tuổi trưởng thành.

Gần 3 tháng nghỉ Covid-19 ở nhà, bé Nguyễn Văn K. (7 tuổi, Hà Nội) rất tích cực ăn uống nên đã tăng thêm gần 10kg, nặng gần 60kg. Nhìn bé cao to nhưng lại không khỏe, thường kêu mệt mỏi, khó thở khi vận động hơi mạnh. Đi khám, bác sĩ khuyên cần thay đổi chế độ ăn và tập luyện vì trẻ bị béo phì nặng, có nguy cơ đái tháo đường và tim mạch.

Lời bàn: TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trẻ em bị béo phì sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đái tháo đường cao gấp đôi khi trưởng thành. Nghiên cứu theo dõi 12.300 thanh thiếu niên trong “Nghiên cứu quốc gia theo dõi sức khỏe trẻ vị thành niên đến người lớn” tại Hoa Kỳ, xác định chỉ số BMI (đánh giá béo phì) của thanh thiếu niên từ 11 - 18 tuổi vào năm 1994 và 1995, sau đó kiểm tra tình hình bệnh tật của họ ở tuổi 33 đến 43 vào năm 2016 và 2018 (khoảng 24 năm sau).

Kết quả, những trẻ bị béo phì có liên quan đến tỷ lệ cao hơn bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hen suyễn, ung thư, bệnh thận, ngưng thở khi ngủ và suy tim sớm - sau khi đã điều chỉnh các yếu tố như tuổi, giới tính, chủng tộc, giáo dục, thu nhập, hút thuốc và sử dụng rượu. Cụ thể, so với một thiếu niên không bị béo phì, một thiếu niên bị béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp 2,73 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim sớm cao hơn 2,19 lần và tình trạng sức khỏe kém cao hơn 1,57 lần ở tuổi trưởng thành.

Theo Đời sống
back to top