Tranh luận về việc cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Cần theo luật, công tâm

(khoahocdoisong.vn) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không cho phép đại biểu Quốc hội này tranh luận về nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội khác.

Tranh luận cần theo luật và công tâm

Sáng 6/11, tại phiên chất vấn Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đúng hay sai luật.

Sau khi nghe trả lời của Phó Thủ tướng, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục bấm nút  tranh luận. Theo ông Vân, TLĐLĐVN chỉ có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn kỷ luật Hiệu trưởng trường là phải theo Luật Giáo dục Đại học, do Hội đồng trường. Việc TLĐLĐVN cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là sai luật.

Tranh luận với đại biểu Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, trong điều kiện Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật viên chức là Hiệu trưởng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng do đơn vị chủ sở hữu quyết định. Do vậy, TLĐLĐVN thực hiện kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định.

Chiều 9/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, tiếp tục tranh luận lại với đại biểu Lê Thanh Vân về việc kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông Hiểu khẳng định việc cách chức ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, là đúng quy định theo Luật Viên chức.

Đại biểu Lê Thanh Vân trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS bên hành lang Quốc hội liên quan đến vụ việc, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, có 3 điều đáng bàn:

Thứ nhất, theo quy định điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không cho phép đại biểu Quốc hội này tranh luận về nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội khác.

“Việc hai vị đại biểu của TLĐLĐVN tranh luận với tôi tại Hội trường về Trường Tôn Đức Thắng là trái luật. Điều này tôi đã nhắc ở các kỳ họp trước”, ông Vân nói.

Thứ hai, theo ông Vân là tính hợp pháp trong quyết định cách chức Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng. Theo đó, có hai cơ sở pháp lý ứng với hai tình huống cụ thể đối với việc này.

Cơ sở thứ nhất, Hội đồng trường mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cách chức hay bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học. Điều đó được ghi ở trong khoản 1, điều 20 Luật Giáo dục Đại học.

Cơ sở thứ hai, khi Hiệu trưởng hết nhiệm kỳ, mà nhiệm kỳ đó cùng với Hội đồng trường thì Hiệu trưởng được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi có hội đồng trường mới và bổ nhiệm Hiệu trưởng mới được cơ quan cấp trên quản lý công nhận. Điều này được ghi trong điểm A, khoản 6, điều 7 nghị định 99, 2019.

Như vậy, việc cách chức Hiệu trưởng trường đại học đã có quy định của Luật pháp. Theo đó, nếu TLĐLĐVN xử lý kỷ luật công chức Lê Vinh Danh thì được, nhưng cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là trái luật.

Tuy nhiên, TLĐLĐVN không hề căn cứ vào cơ sở pháp lý này. Mà lại nại ra Luật Viên chức như đại biểu Ngọ Duy Hiểu đã phát biểu.

Vấn đề thứ ba, hiện nay, Quốc hội chưa có quy định cấm các đại biểu cùng ngành, cùng tổ chức ở trong Quốc hội được quyền hay không được quyền bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình trong Quốc hội. Thực tế, trong vài kỳ họp gần đây, có tình trạng đại biểu đăng đàn để thanh minh cho những vấn đề liên quan tới lợi ích của ngành mình.

“Ngày xưa, trong Luật Hồng đức đã có quy định ngăn cấm này, đó là Luật Hồi tỵ, để tránh lợi ích cục bộ, đảm bảo tính công minh, khách quan. Theo đó, khi triều đình họp liên quan tới nội dung của đia phương nào, của bộ trong lục bộ nào thì quan chức ở đó lập tức bị mời ra ngoài, lánh đi, để người khác bàn việc của mình khách quan hơn.

Chắc chắn Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát Quốc hội phải nghiên cứu để sửa đổi lại. Tránh mất đi tính khách quan, công tâm của một diễn đàn bàn về việc nước”, ông Vân nói.

Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên vào cuộc

Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, ông chưa gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ để trao đổi lại về nội dung chất vấn, nhưng ông khẳng định trước Quốc hội, nếu như Bộ Nội vụ có văn bản đồng ý cho TLĐLĐVN có quyền cách chức Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là văn bản trái luật.

Bởi văn bản của Bộ chỉ là văn bản hướng dẫn những tình huống pháp lý cụ thể, không được trái luật.

Ông Vân cho biết, ông sẽ tiếp tục theo dõi TLĐLĐVN sẽ hành xử với những vấn đề mà ông nêu ra và dư luận rất quan tâm như thế nào và kết luận của Đoàn công tác  đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng ra sao.

“Tôi đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên vào cuộc”, ông Vân nói.

Theo ông Vân, có thể cá nhân ông Lê Vinh Danh, có những vi phạm trong quá trinh chuyển đổi cơ chế. Tuy nhiên, theo dõi các thông tin trên báo chính thống, ông chưa thấy có vi phạm nào liên quan tới tham nhũng, hay có tính chất chống đối pháp luật. Mà những vi phạm kết luận trong Đảng ủy khối các trường Đại học rất chung chung.

Nếu như một người đi tiên phong trong đổi mới chọn ra mô hình có kết quả rõ ràng được tổ chức quốc tế công nhận thì cần phải đánh giá công, tội, rõ ràng, trong đó, cần chỉ ra tội ở đây là gì.

Nếu như liên quan tới quá trình chuyển giao cơ chế, với những cái chưa cụ thể bằng pháp luật, việc tiên phong đi trước, nhưng không trái với quy định của Đảng, không trái với hiến pháp thì phải xem xét hành vi cụ thể.

“Luật Giáo dục Đại học là một chủ trương vô cùng tiến bộ, nếu như chủ trương này thành công, thì nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục Đại học mới cất cánh được. Vậy mà việc thành công ở một mô hình, một trường Đại học như vậy lại chịu những hành xử, chưa nói tới cố ý hay không, nhưng đã có những văn bản trái pháp luật như thế là không chấp nhận được”, ông Vân khẳng định.

Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá, việc tranh luận ở kỳ họp này và ở các kỳ họp trước đã cho thấy Quốc hội đổi mới rất nhanh. Từ một Quốc hội thảo luận sang Quốc hội tranh luận. Tranh luận ở đây được hiểu là khi Quốc hội bàn về những quyết sách liên quan tới quốc kế dân sinh, chứ không phải đại biểu Quốc hội này tranh luận với nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất tích cực trong việc cải tiến phương pháp điều hành các phiên tranh luận. Thể hiện ở việc rút ngắn thời gian đặt và trả lời câu hỏi, tạo áp lực để các đại biểu hỏi đúng trọng tâm, từ cách hành văn cho tới nội dung. Đồng thời, các vị trưởng ngành, buộc phải chọn lựa trả lời đúng nội dung trọng tâm đại biểu Quốc hội hỏi. Hạn chế tình trạng trả lời vòng vo, "dắt dây", "lấy đà rất xa". Đó một cuộc "cách mạng" trong nghị trường rất đáng ghi nhận. Thời gian tới, cần phải hoàn thiện thêm nhiều quy định trở thành những quy tắc xử sự bắt buộc. Ví dụ, về văn hóa tranh luận chỉ là những ứng xử có tính chất cá nhân. Tuy nhiên, cũng phải xem xét để quy phạm hóa thành các quy định trong hoạt động giám sát.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top