Y học cổ truyền phương Đông đã nhận biết công năng và sử dụng trà làm thuốc chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ từ rất sớm. Vào ngày lễ, Tết, họ không chỉ chế biến các loại trà tiêu thực để chữa chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều đồ bổ béo, sống lạnh và khó tiêu mà còn có cả các loại để bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khoẻ nhằm mục đích phòng chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Trà chỉ thực chống viêm dạ dày, đại tràng, chậm tiêu: Chỉ thực sao 30g, bạch truật sao 60g, thần khúc sao 50g. Tất cả tán vụn, mỗi lần dùng 20g, cho vào túi vải, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, mỗi ngày dùng 1 – 2 lần.
Công dụng: Kiện tỳ tiêu thực, hành khí đạo trệ, dùng rất tốt cho những người vốn bị viêm dạ dày, viêm đại tràng mạn tính hay thức ăn đình trệ, chậm tiêu, trướng bụng đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn, đại tiện lỏng loãng...
Trong phương trà, bạch truật là chủ vị, có công năng kiện tỳ ích vị; Chỉ thực và thần khúc tiêu trệ, kích thích tiêu hóa, làm hết đầy trướng. Cả 3 vị phối hợp với nhau tạo nên công năng tiêu thực khá tốt. Tuy nhiên, những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan thì không nên dùng bài này.
Trà vỏ quýt gừng khô trợ giúp tiêu hóa: Đại táo 10g, vỏ quýt hoặc vỏ cam 10g, gừng khô 15g. Các vị thuốc thái vụn đem hãm với nước sôi trong bình kín, chừng sau 15 – 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Ôn bổ tỳ vị, hành khí tiêu thực, dùng thích hợp cho người bị rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều đồ sống lạnh và khó tiêu hoặc bị đầy bụng, trướng hơi do cảm lạnh.
Trong phương thuốc ngoài gừng khô có tác dụng ôn ấm và trợ giúp tiêu hóa, vỏ quýt vốn chứa nhiều tinh dầu có công năng kích thích bài tiết dịch vị và dịch ruột, điều hòa sức co bóp cơ trơn ở thành ống tiêu hóa và bài trừ khí trệ trong lòng ruột. Phương trà này có thể dùng lâu dài cho người bị viêm dạ dày, viêm ruột mạn tính thể hư hàn, đại tiện thường xuyên lỏng loãng.
Trà ngũ phúc bổ ngũ tạng trị chán ăn, mất ngủ: Thục địa 9g, đương quy 9g, nhân sâm 6g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, gừng tươi 3 lát, đại táo 2 quả. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết, khứ bệnh diên niên; dùng thích hợp cho những người trung lão niên ngũ tạng khí huyết suy nhược, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, hay quên…
Trà hà thủ ô giảm mỡ máu, ngực bụng đầy tức: Đan sâm 20g, hà thủ ô 10g, cát căn 10g, tang ký sinh 10g, hoàng tinh 10g, cam thảo 6g, trà 6g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Làm giảm mỡ máu, thông mạch, hoạt huyết khứ ứ, bổ âm ích khí; dùng thích hợp cho những người bị rối loạn lipid máu, béo bệu, đầu choáng mắt hoa, ngực bụng đầy tức, ăn kém chậm tiêu, mắc các bệnh tim mạch.
Trà diệp + gạo tẻ sao cầm đi lỏng, tiêu thức ăn: Trà diệp 10g, gạo tẻ 30g sao đen, gừng tươi 2 lát. Tất cả các vị tán vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ tiêu thực, dùng thích hợp cho người bị thương thực, biểu hiện bằng các triệu chứng đầy bụng, chậm tiêu, ợ chua, buồn nôn, đại tiện lỏng loãng...
Theo quan điểm của y học cổ truyền, trà dược có công dụng hạ khí, tiêu thực. Lá trà vị đắng có thể cầm đi lỏng, tiêu thức ăn, điều hòa chức năng dạ dày và ruột khiến cho thực tích tự tiêu.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, chất caffein trong trà diệp có tác dụng kích thích dịch vị, tăng tiết, làm tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa của dạ dày. Mặt khác, với hàm lượng tanin khá cao, trà diệp còn làm săn se niêm mạc và cầm đi lỏng rất tốt. Trong phương thuốc, gừng tươi cũng có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ấm bụng và kháng khuẩn.
Uống trà đơn giản là dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc khác nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Với nghĩa rộng hơn là một dạng thực - dược, bao gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến và sử dụng giống như trà uống hằng ngày trong dân gian, nhưng kỳ thực không hề có chút lá trà nào trong thành phần; người ta gọi là “dĩ dược đại trà” (lấy thuốc thay trà) như trà lá vối, trà hoa hòe, trà hoa cúc, trà atiso…