Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức ngày 10/8. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, đến nay đã hỗ trợ, nhóm lao động bị hoãn việc và nghỉ việc không hưởng lương đạt 92%; 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16; 15.000 thương nhân ở chợ truyền thống; hơn 365.000 lao động tự do… Khi TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM triển khai gói hỗ trợ lần 2, trong đó mở rộng đối tượng với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
Người lao động tự do được hỗ trợ từ chính quyền. |
Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn được nhận thêm 1,5 triệu đồng từ ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa. TPHCM cũng hỗ trợ cho người lao động ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn thực sự. Thống kê ban đầu có khoảng 174.000 hộ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng gồm tiền mặt và quà. “Chỉ những người lao động ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa đang gặp khó khăn thì mới hỗ trợ chứ không phải tất cả người ở trọ đều được hỗ trợ. Gói hỗ trợ này không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú”, ông Tấn khẳng định và cho biết TPHCM phấn đấu đến ngày 15/8 sẽ giải ngân đến người dân. Hiện một số quận thực hiện nhanh như quận 1, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức…
Về cách xác định đối tượng hỗ trợ, ông Tấn cho hay người lao động có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập, được phường, xã, thị trấn xác nhận. Việc hỗ trợ đảm bảo không sót, không trùng; nếu một hộ thuộc nhiều diện thì chỉ nhận được một gói. TPHCM ưu tiên những hộ nghèo, hộ cận nghèo có từ 3 nhân khẩu, hộ lao động có từ 3 người trở lên. Nguồn lực từ ngân sách thành phố và vận động xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp chung tay hỗ trợ.
TPHCM có khoảng 33.000 xe ôm truyền thống, xe xích lô. TPHCM quyết định hỗ trợ cho nhóm lao động này vì họ không sử dụng công nghệ bắt mối mà chỉ ngồi ở gần bệnh viện, siêu thị, ngã tư đường… mỗi trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.