Băn khoăn giữa “chuyện cổ” và “truyện cổ”
Mới đây, một phụ huynh đã chia sẻ trên mạng xã hội, khi học đến văn bản “Chuyện cổ nước mình” (tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ) trong sách Ngữ văn 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2021) con đã băn khoăn không biết viết thế nào, “chuyện”, hay “truyện”.
Bởi ở Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, tập 1, cũng bài thơ này nhưng lại được sử dụng với tên gọi: “Truyện cổ nước mình”: “Tôi yêu truyện cổ nước tôi, vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa…”.
Tại phần chú thích trong sách Ngữ văn 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giải thích rõ: “Chuyện cổ: Câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phải là “truyện cổ” mới đúng, vì “truyện” là tác phẩm, yêu “truyện cổ” là yêu các tác phẩm văn học dân gian, chứ không phải câu chuyện lưu truyền chung chung.
Không chỉ ở bộ sách Kết nối tri thức, mà ở bộ sách Chân trời sáng tạo (cùng nhà xuất bản), bài thơ này của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng được đưa vào sách với tên gọi là “Chuyện cổ nước mình”. Tất cả từ “truyện cổ” đều được thay bằng “chuyện cổ”. Phần chú giải nghĩa từ "chuyện cổ" cũng giống như trong bộ sách Kết nối tri thức.
“Chuyện cổ nước mình” là hợp lý?
Trao đổi với PV KH&ĐS, PGS.TS Phạm Hùng Việt, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, "chuyện" là sự việc được kể lại, nhắc lại, hoặc được nói đến. Còn "truyện cổ" để chỉ về thể loại.
“Việc tranh luận có thể do những cách hiểu khác nhau, nhưng trong trường hợp này, “tôi yêu chuyện cổ nước tôi” thì “chuyện cổ” để chỉ những câu chuyện, cho nên dùng “ch” là đúng”, ông Việt nói.
Đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Hùng Việt, PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, “truyện” là nói về thể loại của văn học, ví dụ như truyện ngắn… Còn “chuyện” là những câu chuyện bình thường, không phải tác phẩm văn học, không phải thuật ngữ.
“Cho nên, “tôi yêu chuyện cổ nước tôi”, thì phải là “chuyện” chứ không thể là “truyện”, bởi không phải yêu tác phẩm, thể loại của văn học, mà là những câu chuyện cổ được lưu truyền nói chung, ”, ông Hảo nói.
Về việc vì sao mỗi sách lại viết một khác, ông Hảo cho rằng, việc nhầm lẫn có thể xảy ra, ngay cả các nhà chuyên môn cũng vẫn có thể sai, bởi cũng khó phân biệt và cũng không ai nói kỹ về vấn đề này.
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, in năm 2011), “chuyện” (d) là sự việc được kể lại, nhắc lại, hoặc được nói đến. Ví dụ: Chuyện lạ có thật, ngồi nghe kể chuyện, không nhắc lại chuyện cũ… Còn “Truyện cổ” là sáng tác văn học thuộc loại tự sự, có từ thời cổ. Ví dụ, Truyện cổ Grim, Truyện cổ Trung Hoa…