Vào năm 1992, một nghiên cứu của BS Carlsen và cộng sự ở Bắc Âu cho thấy số lượng tinh trùng nam giới giảm khoảng 50% so với 50 năm trước. Nghiên cứu này lập tức gây xôn xao dư luận trong ngành sinh sản.
Rượu, bia, chất kích thích cũng là những nguyên nhân khiến tinh trùng yếu đi. Ảnh: Hữu Khoa.
Số lượng tinh trùng giảm liên tục
Từ đó đến nay, người ta ghi nhận có gần 50 báo cáo và nghiên cứu từ các khu vực khác nhau trên thế giới như châu Âu, Mỹ, châu Á, châu Phi đều cho thấy kết quả tương tự. Các nghiên cứu nói trên đều cho thấy mỗi năm, số lượng tinh trùng nam giới trên thế giới giảm trung bình 1%. Hiện tượng này báo động một thực tế trên toàn thế giới là khả năng sinh sản của nam giới đang suy giảm.
Gần đây, một nghiên cứu năm 2017 công bố trên tạp chí American Journal of Men’s Health tổng kết tất cả nghiên cứu về chất lượng tinh trùng nam từ năm 1980 đến năm 2015. Các tác giả tổng kết tất cả các báo cáo ở các nước và khu vực, đánh giá tỉ lệ suy giảm số lượng tinh trùng của các báo cáo. Nghiên cứu này cho thấy tính chung số lượng tinh trùng nam giới giảm 57% trong vòng 35 năm. Một con số đáng lo ngại về sức khỏe sinh sản.
Vô sinh do nam giới tăng nhanh ở VN
Vào năm 2002, chúng tôi (nhóm BS Hồ Mạnh Tường cùng các cộng sự – PV) làm một nghiên cứu tổng kết về tỉ lệ vô sinh nam giới trong các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam. Trong 396 người chồng làm xét nghiệm tinh dịch đồ, có 78% trường hợp có bất thường ít nhất một chỉ số của tinh dịch đồ. Lúc này, chúng tôi sử dụng hướng dẫn phiên bản IV của Tổ chức Y tế thế giới (WHO ban hành 1999) về xét nghiệm tinh trùng.
Trong khoảng thời gian 2011- 2012, lần lượt có 3 báo cáo tương tự ở Việt Nam với tổng cộng số mẫu là hơn 15.000 tinh dịch đồ của các cặp vợ chồng đến khám tại các bệnh viện ở TPHCM. Mặc dù ngưỡng bình thường của phiên bản V của WHO (ban hành 2010) thấp hơn phiên bản trước, nhưng qua khảo sát cho thấy tỉ lệ nam giới có ít nhất một chỉ số tinh dịch đồ bất thường là hơn 90%.
5 bệnh lý ảnh hưởng đến tinh trùng
1. Béo phì
2. Bệnh đái tháo đường
3. Bệnh nhiễm trùng
4. Bệnh tuyến giáp, tuyến thượng thận
5. Ung thư
Các số liệu này cho thấy tỉ lệ hiếm muộn có liên quan đến nam giới ở Việt Nam là cao và tăng nhanh.
Đừng bỏ qua các nguyên nhân
Tổng hợp các nghiên cứu về nguyên nhân suy giảm tinh trùng người ở nam giới, các nhà khoa học đã đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân đe dọa khả năng sinh sản nam giới. Hai nhóm nguyên nhân chính được đưa ra là các yếu tố về môi trường và lối sống: yếu tố này là quan trọng nhất và các bệnh lý phổ biến.
Các nhóm nguyên nhân ngày càng rõ ràng, phổ biến và có xu hướng tăng trên thế giới. Trong xu hướng đó với các nhóm nguyên nhân được các nhà khoa học phân tích: Việt Nam có thể là một trong những nước mà khả năng sinh sản nam giới đang bị đe dọa nhiều nhất. Điều này được chứng minh bằng các số liệu từ các bệnh viện Việt Nam trong 10 năm cho thấy xu hướng này ngày càng tăng nặng hơn. Đây là một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản nam giới mà giới khoa học và y học chưa tìm ra lời giải.
Cảnh giác sóng điện thoại, WiFi
Đã có một vài nghiên cứu cho thấy sóng điện thoại và sóng WiFi có ảnh hưởng đến giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Mặt khác, tăng nhiệt độ như mặc quần chật và tiếp xúc với nhiệt độ nóng thường xuyên cũng ảnh hưởng làm giảm tinh trùng. Những người làm nghề thợ hàn, đầu bếp, thợ sắt, tài xế… là nhóm có tỉ lệ tinh trùng bất thường cao.
Ngoài ra, những chất bảo quản thực phẩm và phụ gia về màu, mùi đều được ghi nhận ảnh hưởng xấu đến tinh trùng.
Theo BS Vương Vũ Việt Hà – Trung tâm IVF (Bệnh viện Bưu điện), trước đây mỗi mililit tinh trùng nam giới ở châu Âu có đến 60-100 triệu con tinh trùng, nhưng đến 1999 con số này ở mức 20 triệu con/mililit đã là bình thường, đến 2010 con số này dừng tiếp ở mức 15 triệu con/mililit đã là bình thường. BS Hà cũng cho hay có đến 30-40% nam giới đến khám tại trung tâm có những bất thường về hình dạng tinh trùng như đầu tinh trùng hình tròn hoặc hình kim, dẫn tới khả năng đâm xuyên qua trứng giảm và tỉ lệ thụ thai do đó cũng giảm.
Nhiều trường hợp đã có con nhưng về sau tinh trùng có bất thường nên không thể có thêm con nếu không có hỗ trợ sinh sản.
7 nguyên nhân từ môi trường và lối sống
1. Các thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật
2. Ô nhiễm không khí, môi trường do khói bụi
3. Ô nhiễm chất thải công nghiệp
4. Các hợp chất tổng hợp công nghiệp sử dụng trong đời sống hằng ngày, trong thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt…
5. Tiếp xúc từ trường, sóng điện thoại, sóng WiFi…
6. Rượu, bia, cà phê, chất kích thích…
7. Thuốc lá
Theo BS Hồ Mạnh Tường (Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM
/Tuổi trẻ)