Tiền nhân nghiêm trị thói sách nhiễu dân – kỳ 3: Bia “Thân cấm khử tệ”

Bia “Thân cấm khử tệ” được Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội là Hoàng Hữu Xứng ban hành thời Tự Đức 1881. Hai ông đã ra một tờ sức, về việc cấm sách nhiễu dân. Tờ sức này được cho khắc vào bia để dựng những nơi đông người qua lại.

• Tiền nhân nghiêm trị thói sách nhiễu dân

• Tiền nhân nghiêm trị thói sách nhiễu dân – kỳ 2: Nhà Nguyễn xử nghiêm tệ sách nhiễu

Bia “Thân cấm khử tệ” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Lập bia cấm sách nhiễu dân

Năm 1884, tri huyện Quảng Điền là Tôn Thất Hội thường phái huyện lệnh là Lê Diệu đi xuống địa bàn đôn đốc giúp đỡ tổng lý đặt mua thóc trong dân. Những người này tạo sự phiền nhiễu đòi lấy tiền của dân.

Việc bị phát giác, các quan trong triều muốn trừng trị bọn sâu mọt hại dân liền bắt giải cho bộ Hộ tra xét. Quan phủ Thừa Thiên bèn làm án xử Lê Diệu bị phạt trượng đi đày, số còn lại bị phạt trượng bãi chức. Bộ Hình xét lại liền đổi kết án Lê Diệu bị chém bêu đầu, còn lại được giảm dần đến án lưu, đồ.

Việc ngăn chặn, nghiêm trị thói sách nhiễu dân không chỉ thể hiện trong các bộ luật, mà còn được ghi lại trên văn bia để nhắc nhở, răn dạy những quan lại đương thời.

Trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có một tấm bia đá có tên:“Thân cấm khử tệ” được tiếp nhận trên địa bàn Hà Nội, được trưng bày khu vực ngoài trời.

Bia được Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội là Hoàng Hữu Xứng ban hành thời Tự Đức 1881. Hai ông đã ra một tờ sức, về việc cấm sách nhiễu dân. Tờ sức này được cho khắc vào bia để dựng những nơi đông người qua lại.

Tấm bia ghi rõ các ví dụ về tật sách nhiễu dân của các đinh phu trong việc tang ma, “Nghiêm sức về việc sau. Căn cứ vào các hội phố, thân sĩ trong hạt bẩm báo thì hạt ấy nguyên là dân tứ chiếng ở lẫn lộn, không có hương ước.

Lý lịch các thôn, phường thảng hoặc có dung dưỡng bọn không chỗ nương tựa, cho ứng trực canh điếm. Không chỉ bất lực trong tuần phòng mà nhà dân có việc tang ma, tất cả bọn đến chiếm cứ địa phương, vòi vĩnh tang gia, chẳng kể xa gần nhiều ít, cố ý đòi giá, không theo phép tắc, cản trở người ta, như năm Tự Đức thứ 32 (1879) có người ở phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế, nhà nghèo, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, cho nên thuê 4 người khiêng áo quan mà điếm phu sở tại bắt thuê 8 người, vòi tiền 24 quan mới nhận làm. Lần ấy hàng xóm gần gũi bất đắc dĩ phải quyên góp đủ số tiền ấy để chúng làm”.

Cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục

Sau khi nêu ra các ví dụ về sự sách nhiễu dân nghèo, văn bia ghi rõ: “Tệ hại đó bẩm xin sức lệnh xuống cho trong ngoài thành biết: Phàm có tang ma, hiếu chủ tùy nghi làm, nếu có người ngoài giúp đỡ thì càng tiện; hoặc nếu thuê phu thì không buộc thuê người sở tại. Đến như thuê người làm thì chiếu theo lệ cũ, ở trong cửa ô thì mỗi tên trả 4 tiền, ở ngoài thì trả 5 hoặc 6 tiền. Đi đường 7 tiền.

Việc thuê cần công bằng, thích đáng. Đối với phu điếm và những kẻ được dung dưỡng xin cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục trong dân”. “Từ nay về sau tất cả cứ chiếu theo như thế mà làm, không được sách nhiễu như đã có lệnh nghiêm cấm.

Nếu nơi nào vẫn còn tình cảnh tệ hại như vậy, phát giác ra thì phải trừ bỏ kẻ phạm tội ấy cũng như trị nặng người trong làng, tổng.

Ngoài ra, nếu như huyện, nha cũng khó nói cái tệ hại liên quan tới việc vì dân bỏ điều xấu, cẩn thận chớ cản trở viết giấy hay sơ suất gác lại. Như thế có thể lại truyền sức cho chức cai quản và thân sĩ biết, giải quyết hết sức cho nghiêm theo lời sức”.

Lời sức trong tấm bia này cho thấy sự rối ren của xã hội vào thời điểm đó và sự trăn trở của những nhà lãnh đạo đương thời với việc chống lại tệ sách nhiễu của một bộ phận công quyền.

Hiện nay, dù chỉ một bộ phận cán bộ, công chức, suy thoái đạo đức lối sống, coi thường dân, coi thường pháp luật, lợi dụng chức quyền, sách nhiễu, bòn rút của dân, nhưng lại đang ở mức báo động và làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nền hành chính quốc gia.

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top