Bia đá cổ được tìm thấy tại Hải Phòng
Chìa khóa mở những điều bí ẩn về Trạng Trình
Cùng với TS Nguyễn Văn Vịnh trao đổi về những dư luận trái chiều về hai tấm bia mộ, TS Nguyễn Văn Vịnh đã đưa ra các bản dịch, các lời trao đổi các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về 2 tấm bia này.
Ông cho biết, theo nghiên cứu sơ bộ của nhóm đọc và dịch bước đầu của một cụ cao lão trong thôn Thanh Trì (97 tuổi) và đặc biệt khi một số báo mạng đưa tin và đăng ảnh 02 tấm bia trên đã có một số học giả và chuyên gia trong nước quan tâm, có kiến thức về Hán học, văn bia, khảo cổ đã có những ý kiến đánh giá và dịch nghĩa bước đầu gửi về nhóm.
Nếu đúng như những gì nhóm nhận được thì có thể khẳng định 02 tấm bia cổ mà nhóm đã nghiên cứu, tìm kiếm, phát hiện được ngày 06/5/2018 tại khu cống cá thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có niên đại từ thế kỷ thứ 16, liên quan tới thân thế, sự nghiệp của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại thần của Vương triều Mạc. Nếu những nhận định bước đầu trên được khẳng định rõ ràng, 02 bia đá cổ trên sẽ rất quý, rất có giá trị về nhiều mặt: Lịch sử, văn hóa, rất có thể sẽ là chìa khóa để giới khoa học, học giả, sử học mở ra nhiều điều bí ẩn về Cụ Trạng, về một giai đoạn lịch sử của đất nước ta.
6 bức thư bí ẩn giải mã bia cổ
Trong số những tài liệu trao đổi của rất nhiều các học giả trong và ngoài nước TS Vịnh có trong tay, đặc biệt có 6 bức thư trao đổi dài cả chục trang của học giả Trinh Nguyễn – Một người không quen biết TS Vịnh từ Paris- đã gửi thông tin từ hòm thư duyhanhthien@gmail.com để trao đổi về hai tấm bia này. Trong thư học giả Trinh Nguyễn tự giới thiệu là một người già ngoài bát tuần đã dành cả đời cho Nho học. Ông là người khi còn công tác đã gây dựng và đào tạo nhiều môn sinh ở Viện Hán Nôm, cũng còn nặng lòng với chữ Nho, với các di vật lịch sử.
“Tôi đã kỳ công xem xét kỹ các ảnh của 2 tấm bia ở các góc độ, dùng kính lúp soi xét từng chữ và đọc được khá nhiều, luận ra một số nội dung quan trọng. Bia thứ nhất có tiêu đề: “Di ngôn chí” (cái chí để lại cho đời sau bằng ngôn từ/chữ); Bia thứ 2 quan trọng hơn: “Mạc triều Duệ Hoàng đế đồng tông Nguyễn Công văn Đat chi cửu nguyên” (Khu mộ của Duệ Hoàng đế và tông tộc nhà Mạc, cùng với Nguyến Công văn Đạt)”- Học giả Trinh Nguyễn viết.
Bia đá cổ được tìm thấy với các thông tin trên bia được coi có liên quan đến Trạng Trình
Kiểu bia mới chưa hề có có thể là phát kiến khoa học?
Học giả Trinh Nguyên là người trước đây hay về Tiên Lãnh điền dã, tìm đọc văn bia. Bia thời Mạc còn khá nhiều, nhưng toàn là bia chợ, đình chùa cỡ vừa và lớn, một số còn đế bai, dựng ở làng xã, trong khu dân cư. Kiều bia mới tìm thấy chưa hề có, không chỉ nội trong vùng Hải Đông xưa, mà cả trong quá trình khảo cổ ở cả nước từ thời Pháp thuộc tới nay. Bởi vậy, kể cả người có nghề cứ nhao nhao chỉ trích cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái gì chưa thấy không đồng nghĩa với “không thể có”, ấy mới gọi là phát kiến khoa học; chứ cứ chỉ biết nghĩ và làm theo lối mòn thì đến bao giờ khá lên được!
Học giả Trinh Nguyên cho biết, ông đã cùng vài ông bạn giỏi Hán ngữ và có người từ lâu đã nghiên cứu kỹ về thơ chữ Hán của cụ đã cần mẫn đọc dò, đối chiếu, luận ngữ nghĩa từng chữ trong văn cảnh. Đặc biệt, cũng nhờ các dụng cụ chuyên biệt của viện Viễn đông Paris phân tích ảnh và dùng các thiết bị chuyên biệt đọc văn khắc để làm rõ hơn các chữ, các dòng còn mờ trên bia…mà công việc của ông và các đồng nghiệp tại Pháp tuy mệt nhưng cũng rất hài lòng với những gì đã khám phá được.
Theo nhận định của nhóm, về kiểu dáng hai tấm bia này, rõ là hoa văn đời Mạc ở cả trán, thân và chân bia với họa tiết diềm đặc trưng, nhưng kích cỡ quá nhỏ, lại nhiều chữ; kiểu cách có khác biệt với các bia lớn đã phát hiện cùng thời (hiện vật hoặc còn thác bản).
“Bằng sự từng trải và kinh nghiệm hàng chục năm, với hàng trăm chuyến điền dã tìm và đọc bia, tôi lại thấy sự khác biệt này rất lí thú và có cơ sở. Trước đây, các bia đời Mạc đã phát hiện tất cả đều dựng ở chùa, quán, đền đình…, kích thước vừa và lớn (cao từ 0,7 – 1,2 mét), được lập ra để bày công khai cho thiên hạ xem. Còn 2 bia do này công dụng của nó khác hẳn: Nó được chôn giấu sâu dưới đất, ở khu có huyệt mộ chờ đến thời thì phát lộ với kẻ hữu duyên, vừa làm tiêu chỉ báo huyệt mộ, vùa gửi gắm những thông tin bằng di ngôn cho hậu nhân; lại phải che giấu với những kẻ đương thời có tà ý.
Từ xưa, cùng chôn tại mộ phần người ta có thể khắc chữ vào đá, gốm, đồng lá, gỗ…khá đa dạng, đâu cần làm bia lớn y như kiểu cách bia đặt trên mặt đất. Trong trường hợp này, việc lập thành văn tự (thơ, câu đối..) khắc trên bia cỡ nhỏ như vậy là cụ Trạng Trình đã cẩn thận, chu toàn với hậu thế lắm rồi! Câu: “Trí sĩ Trung Am hương Nguyễn lão soạn” (ông lão họ Nguyễn, về trí sĩ ở làng Trung Am soạn bia) đã tỏ rõ điều ấy!” – TS Trinh Nguyễn viết
Bia đá bị làm giả?
Trước những thông tin lan tràn cho rằng, chữ viết trên bia quá xấu, bia đá bị làm giả…, học giả Trịnh Nguyễn phân tích, thoạt nhìn qua ảnh, có vẻ cả 2 bia đều còn lành lặn, bề mặt ít bị phong hóa khi đã ở trong đất hàng trăm năm, làm người ta dễ nghi ngờ. Thực tế là, bia dựng trên mặt đất bị thời gian tàn phá rất nhanh, vài trăm năm là không đọc nổi chữ, nhất là với loại đá kém. Còn trong các cuộc khảo cổ, các di vật bằng đá tốt, độ cứng cao, càng ở tầng đất sâu, yếm khí, nhiệt độ mát mẻ ổn định, tốt nhất là ngậm nước thì bề mặt đá bị tác động không nhiều, chỉ mòn đi mà thôi. Nhiều bia, phiến đá, cột đá trong các quách mộ cổ khi đưa lên mặt đất còn khá nhẵn nhụi sau khi lau chùi kỹ bên ngoài.
Cách đây vài năm, tỉnh Bắc Ninh có khai quật từ tầng đất sâu hơn 2 mét bia đá “Nhân thọ xá lợi” rất cổ, có minh văn ghi rõ niên đại năm 601 (cách nay hơn 1400 năm) mà bề mặt vẫn bóng, còn nguyên vẹn, đọc đủ hết các chữ. Khi giám định cũng có người băn khoăn về niên đại, nhưng nay được công nhận là “Bảo vật quốc gia, bia cổ nhất Việt Nam”.
Trường hợp của 2 bia này, chất liệu đá xanh cứng, được lưu giữ ở địa tầng sâu, ổn định, nhiệt độ mát mẻ, luôn ngậm nước (theo tôi biết là dưới tầng phù sa ven sông Hàn). Cụ Trạng Trình lại chọn được huyệt đất kết (có thể tầng sâu có tính dưỡng thi), yếm khí….nên bia có được tình trạng bên ngoài còn tốt như vậy là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ở câu cuối tấm bia “Di ngôn chí” ghi rằng: “Trấn trạch triệu cát địa bi” (Bia trấn nơi đất tốt để đặt mộ) càng làm rõ thêm nhận định nói trên.
Hơn nữa, kể cả người không có nghề, dễ nhận thấy chữ khắc trên 2 tấm bia không phải của thợ lành nghề chuyên san khắc bia (thường ở kinh đô, hay xưởng in khắc của nhà nước), mà là của thợ vườn trong hương xóm. Nét chữ gãy, vụn, nhiều chữ thiếu nét, sái niêm luật. “Mới đầu, đây là điều tôi rất nghi ngờ có sự giả mạo, nhưng khi dịch xong đoạn văn: ” Diên Thành bát niên đại thử tiết đồ mật san” thì tôi chợt hiểu ra tất cả.
Đoạn ấy có nghĩa là: “Đồ đệ (học trò của Cụ) bí mật khắc (bia) từ tiết Đại thử, năm Diên Thành thứ 8 (1585)”. Học trò tin cẩn của Cụ (không có nghề) tự khắc bia đá, mà lại phải bí mật (vì sợ lộ chỗ chôn cất vua Mạc và Trang Trình); hơn nữa, diện tích mặt bia quá nhỏ, số chữ lại nhiều, làm cho vỡ đá, thiếu nét, chữ xấu vụng là lẽ đương nhiên, chỉ miễn sau này đọc rõ, hiểu được thì thôi!
Nhóm nghiên cứu kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, giám định niên đại, thật giả… về hai bia đá. Trường hợp thành phố chấp nhận đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao cho dừng nghiên cứu (vì là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc) đồng nghĩa với hai tấm bia không có giá trị khoa học, chúng tôi đã đề nghị UBND TP chỉ đạo giao lại cho nhóm chúng tôi hai tấm bia trên để chúng tôi báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có chuyên môn để tổ chức nghiên cứu theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Mọi chi phí cho việc nghiên cứu, thẩm định tiếp theo nhóm chúng tôi sẽ tự chi trả” – TS Nguyễn Văn Vịnh