Tiêm văcxin ngừa Covid-19 ở người có bệnh lý dị ứng: Những điều cần biết

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người hỏi "nếu bị dị ứng kháng sinh hoặc các loại thuốc khác, dị ứng hải sản… liệu có tiêm văcxin ngừa Covid-19 được không?". Thậm chí có thông tin sai lệch bất kỳ ai có tình trạng "dị ứng" không nên tiêm văcxin ngừa Covid-19.

Thành phần thường gây dị ứng trong văcxin ngừa Covid-19

Phản ứng dị ứng thật sự với văcxin rất hiếm. Hầu hết những người có cơ địa dị ứng có thể dung nạp được văcxin. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ về tình trạng dị ứng của mình trước khi quyết định có tiêm vắcxin hay không, và cần chuẩn bị những gì trước khi tiêm.

Thành phần thường gây phản ứng dị ứng trong các loại văcxin ngừa Covid-19 đang lưu hành trên thị trường hiện tại là tá dược, quan trọng nhất là polyethylene glycol (PEG).

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo chống chỉ định tiêm ngừa văcxin khi có bằng chứng dị ứng đáp ứng nhanh (trong vòng 4 tiếng sau khi tiếp xúc dị ứng) với thành phần văcxin ngừa Covid-19.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo chống chỉ định tiêm ngừa văcxin khi có bằng chứng dị ứng đáp ứng nhanh (trong vòng 4 tiếng sau khi tiếp xúc dị ứng) với thành phần văcxin ngừa Covid-19. 

PEG là loại tá dược thường được thêm vào trong thành phần một số loại thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm dùng trong nhà (kem và lotion bôi ngoài da, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm vệ sinh răng miệng), thuốc nhuận tràng, một số thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn và các sản phẩm khác. Hiện nay, PEG được sử dụng trong văcxin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech (Pfizer), Moderna (nhóm mRNA).

Trong khi đó, văcxin của AstraZeneca và Johnson & Johnson Janssen không chứa PEG, thay vào đó là polysorbate-80, một tá dược được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại văcxin khác (ví dụ như văcxin ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan siêu vi B, ung thư cổ tử cung HPV, phế cầu, cúm...).

Polysorbate-80 ít có khả năng gây nên phản ứng dị ứng hơn PEG, do có trọng lượng phân tử nhỏ hơn. Hiện nay, một số nghiên cứu nhận thấy polysorbate-80 có thể phản ứng chéo với PEG, tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng.

Phản ứng dị ứng & phản vệ độ 2: Giống hay khác?

Dị ứng là một phản ứng miễn dịch của cơ thể xảy ra nhiều lần với cùng một loại dị nguyên, có thể là từ không khí (phấn hoa, mạt bụi...), thức ăn (hải sản, trứng...), thuốc (giảm đau, hạ sốt, kháng sinh, thuốc tê...), hoặc khi tiếp xúc (găng tay cao su, mỹ phẩm...).

Cơ thể sẽ biểu hiện triệu chứng đa dạng, ví dụ: Nếu ở ngoài da, bệnh nhân sẽ có mày đay, phù mạch (sưng môi, sưng mắt...), hồng ban; ở đường hô hấp, bệnh nhân có thể bị hắt xì hơi, chảy nước mũi, nước mắt... (viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng...), khó thở, thở rít, khàn giọng... (hen suyễn...).

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, những người có tiền căn phản vệ từ độ 2 trở lên là chống chỉ định tiêm văcxin ngừa Covid-19.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, những người có tiền căn phản vệ từ độ 2 trở lên là chống chỉ định tiêm văcxin ngừa Covid-19.

Một số sẽ biểu hiện đau bụng hoặc nôn, tụt huyết áp hoặc ngất… Đặc biệt, những phản ứng này sẽ có lặp đi lặp lại với cùng một loại dị nguyên. Đối với những bệnh nhân có dị ứng ở mức độ nhẹ, triệu chứng có thể tự mất đi hoặc giảm khi điều trị với thuốc chống dị ứng thông thường.

Một phản ứng nặng là phản vệ. Đó là phản ứng cấp tính toàn thân, xảy ra hầu như ngay lập tức (vài phút đến khoảng 30 phút) sau khi tiếp xúc dị nguyên.

Phản vệ độ 2, là khi người bệnh có triệu chứng từ 2 hệ cơ quan trở lên trong số 4 hệ cơ quan: Ngoài da (mày đay, phù mạch); hô hấp (khó thở, tức ngực, khàn tiếng...); tiêu hóa (đau bụng nôn, tiêu chảy...); tuần hoàn (tăng/hạ huyết áp, nhịp tim bất thường...).

Đó là khi chúng ta cần phải đến bệnh viện và điều trị cấp cứu. Trong hầu hết các trường hợp, phản vệ từ độ 2 trở lên có thể được cấp cứu kịp thời khi chẩn đoán chính xác sớm.  

Phản vệ thường xảy ra rất nhanh, trong vòng vài phút - 30 phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

Có tiền căn dị ứng, tiêm hay không tiêm?

Hiện nay, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chỉ khuyến cáo chống chỉ định tiêm ngừa văcxin khi có bằng chứng dị ứng đáp ứng nhanh (trong vòng 4 tiếng sau khi tiếp xúc dị ứng) với thành phần văcxin, ví dụ như với PEG và polysorbate-80. Để chẩn đoán dị ứng với tá dược, cần thực hiện các xét nghiệm dị ứng chuyên sâu hơn bởi bác sĩ chuyên khoa dị ứng.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, những người có tiền căn phản vệ từ độ 2 trở lên là chống chỉ định tiêm văcxin ngừa Covid-19.

Một số yếu tố gợi ý dị ứng với tá dược PEG, polysorbate-80 là khi có tiền căn phản vệ với nhiều loại thuốc khác nhau, không rõ loại thuốc, hoặc phản vệ khi tiêm các văcxin khác, sử dụng thuốc có khả năng chứa PEG như thuốc sinh học (kháng thể), thuốc nhuận tràng...

Kể rõ triệu chứng dị ứng với bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa văcxin Covid-19. Trong ảnh: Các bác sĩ Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đang khám sàng lọc trước tiêm.

Kể rõ triệu chứng dị ứng với bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa văcxin Covid-19. Trong ảnh: Các bác sĩ Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đang khám sàng lọc trước tiêm. 

Trong những trường hợp có phản ứng dị ứng còn lại, bệnh nhân có cơ địa dị ứng vẫn có thể tiêm văcxin và nên tiêm tại bệnh viện.

Bệnh nhân có tiền căn dị ứng có thể liên lạc với các bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi tiêm chủng, để đạt được hiệu quả bảo vệ của văcxin mà vẫn an toàn. Không nên tiêm khi có phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong văcxin, hoặc khi có phản vệ độ 2 với bất kỳ dị nguyên nào (theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Cần chuẩn bị gì khi tiêm văcxin?

Thứ nhất, cần chuẩn bị tinh thần và điều kiện sức khỏe tốt nhất, tránh lo âu, căng thẳng. Sau khi tiêm chủng, cơ thể có những phản ứng như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ trong vòng 36 giờ đầu sau tiêm, và đây không phải là phản ứng dị ứng.

Thứ hai, không cần sử dụng các thuốc chống dị ứng để phòng ngừa trước khi tiêm văcxin, chúng ta chỉ cần sử dụng tiếp các loại thuốc điều trị bệnh lý mạn tính hằng ngày theo toa có sẵn (nếu có).

Thứ ba, liên lạc với bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch học, và kể rõ triệu chứng dị ứng với bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm.

Những trường hợp có dị ứng ở mức độ nhẹ và có chỉ định tiêm chủng văcxin ngừa Covid-19; sau tiêm, người được tiêm cần ở lại bệnh viện từ 15 - 30 phút để theo dõi. (Ảnh tư liệu)

Những trường hợp có dị ứng ở mức độ nhẹ và có chỉ định tiêm chủng văcxin ngừa Covid-19; sau tiêm, người được tiêm cần ở lại bệnh viện từ 15 - 30 phút để theo dõi. (Ảnh tư liệu)

Thứ tư, trong những trường hợp có dị ứng ở mức độ nhẹ và có chỉ định tiêm chủng văcxin ngừa Covid-19 nên được tiêm ngừa Covid-19 tại bệnh viện. Sau tiêm, người được tiêm phải ở lại bệnh viện từ 15 - 30 phút để theo dõi và báo với nhân viên y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng khác. 

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top