Chuyên gia nói gì về văcxin và chiến lược chống dịch của Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4, mỗi ngày lên tới hàng nghìn ca bệnh. Nhiều người dân TPHCM lo lắng về việc tự cách ly ở nhà khi nhân lực ngành y tế đang quá tải. Xung quanh vấn đề phòng chống dịch, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Hồng Vũ, thành viên trong nhóm nghiên cứu văcxin Covid-19 tại City of Hope (Califfornia, Hoa Kỳ).

Thể nhẹ tự điều trị ở nhà

Cảm ơn TS Nguyễn Hồng Vũ (TS) đã luôn dõi theo tình hình dịch Covid-19 tại quê nhà và có nhiều chia sẻ hữu ích. Xin hỏi, với số lượng ca nhiễm mỗi ngày một cao như hiện nay, TPHCM vừa chính thức triển khai thí điểm cách ly F0 và F1 tại nhà. Nhiều người dân lo ngại về điều này. Quan điểm của TS thế nào?

Đây là một hướng đi đúng đắn vì hiện nay các ca nhiễm ở nước ta đã rất nhiều, đặc biệt là TPHCM với mỗi ngày đã lên tới hàng nghìn ca mới. Nếu vẫn giữ phương pháp cũ tập trung điều trị F0 thì sẽ sớm làm hệ thống y tế quá tải, tốn kém tiền bạc và chất lượng sinh hoạt/điều trị trong khu cách ly cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Với tỷ lệ người bệnh nhẹ khi mắc Covid-19 là khoảng 80% trong độ tuổi dưới 50, việc đưa F0 không có biểu hiện bệnh hoặc bệnh nhẹ về nhà tự điều trị sẽ làm nhẹ gánh rất đáng kể cho hệ thống y tế hiện nay. Tuy nhiên, để phương án này hiệu quả và an toàn đối với cộng đồng thì người mắc SARS-CoV-2 cũng cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà. Hiện TPHCM đã có văn bản hướng dẫn cụ thể F0, F1 tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm. Người dân nên đọc kỹ hướng dẫn để phối hợp.

Ngoài việc sát trùng thường xuyên giảm tối đa lây nhiễm cho người xung quanh, người tự cách ly cần chăm sóc như thế nào để hồi phục?

Với các loại bệnh do virus gây ra thì việc điều trị chủ yếu là “điều trị hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn phải cố gắng “làm dịu nhẹ” các triệu chứng khó chịu, để cơ thể có thời gian củng cố hệ miễn dịch chiến đấu với virus. Hầu hết các trường hợp tự điều trị Covid-19 sẽ hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.

Những triệu chứng nhẹ mà người bị mắc Covid-19 có thể tự điều trị ở nhà như sốt hoặc ớn lạnh, ho, mệt mỏi, đau nhức, đau đầu, mất vị giác, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy. Cách điều trị ở nhà chủ yếu là nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước cho cơ thể để hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus. Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nếu cần khi bị sốt cao (trên 39 độ C). Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi…). Nếu khó ăn, khó tiêu thì có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa. Phơi nắng mỗi ngày 5 - 10 phút, uống sữa, ăn trứng…

Cách ly tại nhà cần tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Cách ly tại nhà cần tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Khi đã nhiễm Covid-19 thì có bị nhiễm lại không và nếu nhiễm lại có nguy hiểm không? Người đã bị nhiễm Covid-19 rồi có cần tiêm văcxin không, thưa TS?

Nếu đã nhiễm Covid-19 thì khả năng nhiễm lại là rất thấp, vì khi hồi phục cơ thể đã tạo ra được kháng thể nhận biết virus này. Các trường hợp người tái nhiễm hiện nay là rất thấp và nếu có thì sẽ mau hồi phục vì cơ thể đã nhớ virus này nên tiêu diệt rất nhanh. Người đã nhiễm virus rồi thì coi như đã được "văcxin tự nhiên" nên không cần tiêm văcxin nữa.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, người sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ có kháng thể bảo vệ trong cơ thể của họ ít nhất là 3 - 4 tháng (có thể dài hơn). Bảo vệ cho đến bao lâu thì còn phụ thuộc vào tế bào nhớ của hệ miễn dịch. Dù lượng kháng thể giảm sau 3 - 4 tháng nhưng nếu đã có tế bào nhớ thì khi nhiễm lại, hệ miễn dịch cũng được kích hoạt tấn công rất nhanh. Đó là lý do cho đến nay (sau hơn 1 năm) hiện tượng người bị tái nhiễm virus này vẫn là rất hiếm.

Tuy nhiên, cũng có một số khuyến cáo người đã nhiễm virus một cách tự nhiên vẫn nên tiêm văcxin để củng cố thêm hệ miễn dịch, tăng thời gian bảo vệ và đề phòng tái nhiễm sau 1 thời gian dài. Chuyện này nên được xem xét sau khi chúng ta có dư văcxin.

Một số người cho biết, người thân của họ có biểu hiện mắc Covid-19 nhẹ với biểu hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ, viêm họng nhẹ, mất vị giác, tiêu chảy. Họ đã uống zinc, theraflu, xông hơi, súc miệng nước muối và uống chanh nóng... thì thấy bệnh thuyên giảm nhanh sau vài ngày, tương tự như bị cảm, cúm thông thường. Liệu có phải do họ đã được tiêm ngừa chủng lao BCG hay quen với việc bị viêm họng ở Việt Nam?

Hiện mối quan hệ giữa văcxin ngừa lao (BCG) và hiệu quả bảo vệ/tình trạng bệnh đối với Covid-19 vẫn còn đang được tranh cãi vì chưa tìm ra được các bằng chứng thuyết phục.

Cần tiếp tục đưa ra những loại văcxin tốt hơn

Một số tin đồn thất thiệt cho rằng, chủng Lambda chứa đột biến có thể đánh bại văcxin. Theo TS phải hiểu thế nào cho đúng?

Một nghiên cứu ở Đại học New York (Mỹ) mới công bố cho thấy, biến chủng Lambda tuy làm giảm hiệu lực văcxin nhưng vẫn bị nhận diện và trung hòa tốt bởi các kháng thể được tạo ra ở những người được tiêm văcxin mRNA (của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) hoặc những người hồi phục từ việc nhiễm bệnh Covid-19 tự nhiên. Dựa trên kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ở New York và cho đến bây giờ chủng Lambda vẫn chưa trở nên phổ biến ở các nước có tỷ lệ người tiêm phòng cao bởi các văcxin Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca… nên chúng ta không nên quá hoang mang về biến thể này. 

Tiêm văcxin có thể ngừa bệnh trong bao lâu thưa TS?

Vì tình trạng cấp bách nên văcxin đã được chấp nhận sử dụng ngay khi có kết quả đảm bảo "an toàn" và "hiệu quả". Các văcxin đang phát triển không biết sẽ bảo vệ được trong bao lâu vì chưa có số liệu của nghiên cứu đường dài. Nhưng với các kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng cho đến hiện tại thì các nhà nghiên cứu hy vọng các văcxin có thể bảo vệ ít nhất trong khoảng 6 tháng và có thể dài hơn (dựa theo kết quả quan sát tiếp trong tương lai).

Là một thành viên trong nhóm nghiên cứu văcxin Covid-19 tại City of Hope (Mỹ), ông đánh giá thế nào về văcxin Nanocovax?

Thực sự là một câu hỏi khó vì cho đến giờ này chưa thấy bất cứ số liệu khoa học nào công bố từ nhóm nghiên cứu. Không có một thông tin khoa học chi tiết nào để một người làm trong ngành nghiên cứu văcxin hoặc một tổ chức y tế nào đó có thể đánh giá một cách khách quan.

Các văcxin được sử dụng phổ biến hiện nay trên thế giới như PfizerBioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson… đều phải “lên thớt” nhiều lần trước khi có thể được một tổ chức y tế như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận cho phép sử dụng khẩn cấp. Do vậy, khi chỉ dựa trên thông tin công bố là “Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch đạt 99,4%” thì có phần “ngây thơ”. Để đánh giá được văcxin, các nhà khoa học cần có thông tin cụ thể gồm: Khả năng sinh miễn dịch này có đặc hiệu không? Kháng thể được tạo ra bởi phản ứng miễn dịch này có “nhận ra” được virus (và các biến thể mới của nó) hay không? Kháng thể có thể bám và “trung hòa” được virus để ngăn chúng nhiễm vào tế bào hay không? Người tiêm văcxin có những triệu chứng phụ nào, tỷ lệ ra sao? So sánh với nhóm đối chứng thì hiệu quả văcxin là bao nhiêu phần trăm?… Vì thế, việc “Kiến nghị cấp phép khẩn cho văcxin Việt Nanocovax” là một việc làm chưa chứng minh được một cách rõ ràng tính “an toàn” và “hiệu quả” của văcxin.

Được biết, các nhà khoa học nhiều quốc gia trong nhóm của TS đang tập trung nghiên cứu văcxin ngừa SARS-CoV-2 có tên COH04S1 và có những thành công bước đầu. TS có thể chia sẻ một vài thông tin?

Kể từ cuối năm 2020, FDA (Mỹ) đã cho phép đưa văcxin COH04S1 vào thử nghiệm lâm sàng pha đầu tiên. Cho đến nay các kết quả thử nghiệm của pha 1 cho kết quả khá tốt, nhóm hy vọng sẽ sớm công bố kết quả này trên tạp chí chuyên ngành trong thời gian tới và chuẩn bị cho pha thử nghiệm tiếp theo. Văcxin của chúng tôi chỉ cần bảo quản -20 độ C bằng tủ lạnh thông thường nên sẽ tiết kiệm chi phí, vận chuyển dễ dàng hơn. Không giống với hầu hết các văcxin hiện nay đang được sử dụng trên thế giới nhắm vào việc tạo đáp ứng miễn dịch của người được tiêm ngừa bằng protein S (protein trên bề mặt) của virus SARS-CoV-2) văcxin của chúng tôi được thiết kế để tạo đáp ứng miễn dịch trên cả protein S và protein N (Nucleocapsid, loại protein bên trong virus và liên kết với bộ gene của virus).

Hiện nay, thế giới vẫn chưa đủ lượng văcxin cần thiết và cũng chưa biết các văcxin hiện tại bảo vệ được trong thời gian bao lâu nên cần có nhiều nhóm nghiên cứu tiếp tục đưa ra những loại văcxin tốt hơn, củng cố thêm sức mạnh văcxin ngăn chặn đại dịch Covid-19 lâu dài và hiệu quả.

Xin cảm ơn TS!

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top