Tiêm kết hợp nhiều loại văcxin Covid-19
Các nhà nghiên cứu Anh đang tiến hành nghiên cứu kết hợp hai loại văcxin ngừa Covid-19 của Moderna và Novavax để tăng hiệu quả miễn dịch. Sau khi tiêm văcxin của AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, những người tình nguyện sẽ ngẫu nhiên được tiêm mũi hai bằng văcxin của Moderna hoặc của Novavax. Mỗi hình thức thử nghiệm sẽ có sự tham gia của 175 người, nâng tổng số người tham gia thử nghiệm bổ sung là 1.050 người.
Theo GS Matthew Snape, Đại học Oxford, Trưởng nhóm nghiên cứu, nếu có thể chứng minh việc sử dụng kết hợp các loại văcxin khác nhau mang lại hiệu quả miễn dịch tương tự như khi sử dụng cùng loại mà không gây phản ứng phụ thì điều này sẽ cho phép có thêm nhiều người hoàn tất quá trình tiêm phòng Covid-19 nhanh hơn, trong khi nhanh chóng giải quyết được tình trạng thiếu hụt một loại văcxin. Dự kiến, kết quả của việc thử nghiệm kết hợp văcxin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech sẽ có sớm nhất là trong tháng 4 hoặc tháng 5, trong khi kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ có vào tháng 7 tới.
Việc kết hợp tiêm nhiều loại văcxin có tạo ra hiệu lực bảo vệ cao hơn? PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đúng là mỗi loại văcxin khi được nghiên cứu ra để nhắm tới một chủng virus nhất định. Khi virus biến đổi bằng việc sinh ra nhiều chủng mới thì loại văcxin đó không có hiệu lực bảo vệ với chủng mới đó, buộc người ta phải nghiên cứu tiếp loại văcxin nhắm tới chủng mới đó. Khi tiêm nhiều loại văcxin khác nhau, sẽ cho hiệu lực bảo vệ cao hơn, phổ hiệu lực đối với virus rộng hơn. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp nên chọn.
Quan trọng nhất là phải kết hợp văcxin với điều tra dịch tế. Nếu xác định được đã xuất hiện nhiều biến chủng virus khác nhau thì phải tính đến nghiên cứu sản xuất văcxin bất hoạt nhiều chủng khác nhau chứ không phải là tiêm càng nhiều loại văcxin càng tốt.
Rủi ro cao hơn
PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết, tiêm cùng lúc nhiều loại văcxin Covid-19 sẽ cho hiệu lực bảo vệ cao hơn với nhiều chủng hơn, song cũng phải đổi mặt với rủi ro cao hơn so với tiêm 1 loại văcxin. Bởi bất cứ loại văcxin nào cũng có tỉ lệ rủi ro, việc tiêm văcxin mục đích chủ yếu là bảo vệ đối với chủng lưu hành phổ biến ở khu vực đó, quốc gia đó. Không cần thiết phải tiêm thật nhiều loại văcxin khác nhau nếu không thực sự cần thiết. Sau khi tiêm văcxin, thử huyết thanh miễn dịch là có thể biết khả năng bảo vệ bao nhiêu so với chủng đang lưu hành.
Thực tế, để sản xuất văcxin, nhà sản xuất áp dụng rất nhiều công nghệ khác nhau. Chỉ riêng ở Việt Nam, 4 nhà sản xuất văcxin đã sử dụng 4 công nghệ khác nhau, việc tiêm kết hợp các loại văcxin với công nghệ khác nhau liệu có rủi ro? PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay, dù là sử dụng công nghệ khác nhau nhưng đều nhắm đến tạo ra protein tái tổ hợp để tạo kháng thể bảo vệ cho người được tiêm. Do đó, điều này không đáng lo ngại bằng khả năng rủi ro xảy ra cao hơn cho người tiêm. Nhưng ở Việt Nam, các nhà khoa học hướng đến nghiên cứu văcxin phổ rộng chứ không kết hợp tiêm nhiều loại văcxin nêu trên.
Tuy có những hiệu quả bảo vệ trên lý thuyết khi tiêm nhiều loại văcxin nhưng tốt nhất nên tiêm liều thứ hai cùng loại văcxin với liều thứ nhất. Chỉ nên sử dụng biện pháp tiêm ngừa khác loại văcxin trong trường hợp bệnh nhân thuộc diện "nguy cơ cao ngay lập tức" hoặc thuộc diện "không có khả năng đi tiêm lại", có lịch trình di chuyển phức tạp, dịch tễ không truy vết được. Còn theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các loại văcxin không thể thay thế cho nhau và tính an toàn và hiệu quả của hỗn hợp các văcxin chưa được đánh giá.