Thủy điện - Kỳ cuối: Ngổn ngang các giải pháp

(khoahocdoisong.vn) - Phát triển thủy điện là tất yếu, nhưng làm thế nào để phát triển thủy điện bền vững, không phải đánh đổi bằng rừng, bằng nước, bằng tài nguyên động thực vật, bằng chính mạng sống của người dân... thì vẫn cần một giải pháp mạnh tay của những người quản lý.

Cần một cơ quan kiểm tra độc lập

TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất, để khắc phục được những vấn đề đang tồn tại của thủy điện, cần phải có một cơ quan chuyên môn độc lập rà soát toàn bộ các quy hoạch hồ chứa trên các lưu vực sông, đặc biệt là các quy hoạch bổ sung do UBND các tỉnh phê duyệt để bảo đảm yêu cầu cơ bản là phải sử dụng tài nguyên nước đa mục tiêu, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về xã hội, môi trường, mục đích cuối cùng là bảo đảm phát triển thủy điện bền vững. Từng công trình hồ chứa cần quy định rõ các nhiệm vụ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ngay từ giai đoạn quy hoạch.

Đối với các hồ chứa ở khu vực miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, ngay từ giai đoạn quy hoạch, trong nhiệm vụ của công trình bắt buộc phải bố trí nhiệm vụ điều tiết dòng chảy cắt giảm lũ chính vụ với dung tích phòng lũ hợp lý ở mỗi công trình và bảo đảm cấp nước cho hạ du vào mùa khô.

Cần rà soát nhiệm vụ, quy trình vận hành hiện nay của các hồ chứa và hệ thống hồ chứa, đặc biệt là những hồ chứa có khả năng điều tiết năm, nhiều năm; điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du, trong đó quy định, điều chỉnh cụ thể dung tích để thực hiện các nhiệm vụ đó trong từng thời kỳ. Quy định việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt cho phát điện phải thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (trước khi phê duyệt dự án đầu tư). Như vậy mới có thể bảo đảm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong giai đoạn đầu tư, thiết kế, xây dựng công trình. Bảo đảm rằng, ngay từ khi chuẩn bị đầu tư xây dựng đã có các giải pháp kỹ thuật công trình cần thiết về chống lũ và cấp nước chứ không thể để tình trạng công trình cắt nhỏ dòng sông như hiện nay.

Điều chỉnh nhiệm vụ hồ chứa

TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước và Thích nghi với biến đổi khí hậu cho rằng, cần phải yêu cầu tất cả các chủ đầu tư hồ chứa thủy điện, thủy lợi khẩn trương tự rà soát và tự điều chỉnh nhiệm vụ để bảo đảm khả năng vận hành điều tiết cắt lũ cho hạ du vào mùa lũ chính vụ. Phải cấp nước như yêu cầu phục vụ đời sống, sản xuất và bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái thủy sinh. Bảo đảm biện pháp kỹ thuật cần thiết để loại trừ các đoạn sông chết do xây dựng công trình. Thực hiện việc xin cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt như quy định của pháp luật. Bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích. Bảo vệ môi trường, đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, về di dân tái định cư, về bảo vệ đa dạng sinh học và các pháp luật liên quan khác.

Xây dựng và sớm ban hành để thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa cả trong mùa lũ và mùa cạn trên các lưu vực sông (nhất là trên sông Hương-Bồ, Mã, Cả ở Bắc Trung Bộ, trên Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba, sông Kôn-Hà Thanh, sông Sê San, Srepok ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; sông Đồng Nai-Sài Gòn và vùng phụ cận ở Đông Nam Bộ). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên và môi trường các hồ chứa; điều tra, đánh giá thực trạng tác động của các hồ chứa đến đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Quản lý vận hành công trình hồ chứa, bảo đảm để thủy điện, thủy lợi phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, cần ban hành cơ chế phối hợp cần thiết để trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở Trung ương, các sở, ngành và chủ công trình ở địa phương để tăng cường quản lý, vận hành hiệu quả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vì lợi ích chung lâu dài của toàn xã hội, không chỉ vì lợi ích riêng của một tổ chức, cá nhân nào.

Theo Đời sống
back to top