Nuốt rừng làm thủy điện, "quên" trồng bù

(khoahocdoisong.vn) - Báo cáo chính thức của Bộ NN&PTNT cho thấy nhiều vấn đề đáng báo động – liên quan tới việc trồng rừng thay thế, vốn là yêu cầu sống còn của các dự án chuyển đất rừng làm thủy điện.

Trước đó, tháng 5/2015, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh (có kế hoạch trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, đặc biệt là sang đầu tư công trình thủy điện) chỉ đạo các chủ đầu tư phải hoàn thành trồng rừng thay thế trong năm 2015.

Thủy điện Nậm Sọi, Nậm Công, Sơn La chây ì trồng bù rừng

Thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác bằng Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 18/2/2014, và Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đơn vị tổ chức thực hiện là Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế (từ khi Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ rừng và phát triển rừng có hiệu lực đến 31/12/2017), là 67.921ha, với 2.914 dự án tại 54 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có rừng. Đáng chú ý, riêng TP Hà Nội và Nam Định không có báo cáo rà soát liên quan.

Bộ NN&PTNT đánh giá, về tổng thể, cả nước đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tại Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội. Trong đó, một số tỉnh trồng vượt diện tích phải trồng, như Lai Châu (vượt 2.908ha), Thanh Hóa (3.606ha); Nghệ An (435ha).

Một số địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn, nhưng chưa hoàn thành, như Hà Nam (3.220 ha), Yên Bái (1.445ha), Bà Rịa – Vũng Tàu (1.439ha), Đà Nẵng (536ha), Phú Yên (814ha), Kon Tum (1.369ha)… Trong đó, tỉnh Hà Nam, Bình Phước cơ bản không còn quỹ đất trồng rừng. Một số chủ dự án tại tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Yên… có biểu hiện chây ì, không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT ghi nhận có 332 dự án thủy điện tại 30 tỉnh phải trồng thay thế 22.319ha rừng. Tính đến hết tháng 7.2018, 303 dự án thủy điện đã trồng được 24.803ha rừng tại tại 30 tỉnh, đạt 111% tổng diện tích (đã trồng 22.253ha, đã nộp tiền: 2250ha).

Nhưng, cũng Báo cáo của Bộ cho biết, nhiều dự án thủy điện vẫn chưa thực hiện trồng rừng thay thế, với diện tích 904ha. Số này gồm 29 dự án tại 10 tỉnh, trong đó Sơn La là 384,5ha, Thừa Thiên Huế là 260,7ha, Yên Bái 90ha, Cao Bằng 22,6ha…. Nhiều dự án có biểu hiện chây ì, không chấp hành quy định về trồng rừng thay thế. Điển hình là dự án Thủy điện Nậm Sọi, Thủy điện Nậm Công, dự án mặt bằng công trình thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế).

Trong đó, có dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu, đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán, BQL dự án đã giải thể, chủ đầu tư đã bàn giao hoặc sang nhượng giá trị công trình cho đơn vị khác quản lý, gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm và bố trí vốn cho trồng rừng thay thế. Cụ thể: Dự án công ty Liên doanh quốc tế Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn (95ha); Khai thác Mangan, tỉnh Hà Giang (218,6ha); Xây dựng KCN Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (928ha)…

“Bóng của đại gia”

Bộ NN&PTNT nhận xét, hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách, hoặc lồng ghép kinh phí bảo vệ và phát triển rừng để trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển mục đích sang xây dựng các công trình công cộng, an ninh quốc phòng.

Một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc trồng rừng thay thế, việc tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước chưa kịp thời…Công tác chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa quyết liệt, đặc biệt là một số Bộ, ngành và địa phương có chỉ tiêu kế hoạch lớn như Hà Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Từ đây, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương bố trí kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư (hồ thủy lợi Ia Mơr – tỉnh Gia Lai) với diện tích 2.784 ha. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Công thương và UBND các tỉnh xử lý 29 dự án thủy điện không chấp hành nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế, gồm: Cao Bằng (1 dự án), Lào Cai (1 dự án), Yên Bái (9 dự án), Sơn La (9 dự án), Bình Phước (2 dự án)…

Đối với UBND các tỉnh, thành, Bộ kiến nghị khẩn trương triển khai trồng rừng đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ & Phát triển (BV&PTR ) rừng của tỉnh. Trường hợp không còn đất trồng rừng, thì chuyển tiền về Quỹ BV&PTR Việt Nam để bố trí trồng rừng thay thế ở địa phương khác. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Trước đó, tháng 3.2017, Thủ tướng có công điện số 391/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ Công thương, NN&PTNT, TN&MT cũng như UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện tại các tỉnh Tây Nguyên. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, thu hồi giấy phép những dự án không trồng rừng thay thế…

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện các dự án trồng rừng thay thế tại các tỉnh Tây Nguyên. Yêu cầu trong năm 2017 phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện đã đưa vào khai thác vận hành.

Đáng chú ý, một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng (sang phục vụ thủy điện; khai thác khoáng sản; kinh doanh sân golf…) chậm/không hợp tác trồng bù rừng (dù dự án đã khai thác vận hành) có bóng dáng của những doanh nghiệp khá mạnh như EVN, Tập đoàn khoáng sản Tây Giang, Công ty Đông Đô – BQP, Công ty CP và đầu tư phát triển điện Tây Bắc, Công ty CP Thủy điện Hương Điền...

Chi tiết về những dự án, chủ đầu tư dạng này, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài báo tới đây.

Theo Đời sống
back to top