Dự án Hồ Tràm: Thua lỗ, ì ạch và xin lùi tiến độ

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 5.3.2019, Bộ KH&ĐT gửi văn bản xin ý kiến 6 Bộ và NHNN về việc điều chỉnh chứng nhận đầu tư Dự án Hồ Tràm của Công ty TNHH dự án Hồ Tràm.

Dự án này (có mục tiêu kinh doanh casino và sân golf) thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan có ý kiến, gửi về Bộ này trước 8.3.2019.

Xin lùi tiến độ: Tỉnh đồng thuận, chỉ chờ Thủ tướng

Trước đó, tháng 2.2019, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (Công ty Hồ Tràm) đề nghị điều chỉnh GCNĐT cho dự án Hồ Tràm với các nội dung: Điều chỉnh tên nhà đầu tư, Điều chỉnh tên gọi và chức năng các phân khu dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện, tiến độ góp vốn từng phân khu; Điều chỉnh nội dung về điều kiện đối với hoạt động dự án của hạng mục vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài.

Công ty Hồ Tràm là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Tập đoàn ACDL (Canada), được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp GCNĐT lần đầu ngày 12.3.2008 và thay đổi lần 7 vào 16.12.2015 để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 4,23 tỷ USD, vốn điều lệ công ty là 795 triệu USD. Diện tích đất thực hiện dự án là 164 ha tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Theo GCNĐKĐT ban đầu, dự án gồm 6 phân khu: khách sạn 5 sao, khu thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khách sạn căn hộ, biệt thự cho thuê, sân golf 18 lỗ, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài (A1 và A2)… Riêng khu vui chơi có thưởng, chủ đầu tư cam kết đưa vào hoạt động trong quý II.2013 (khu A1) và tháng 6.2015 (khu A2).

Ngày 6.6.2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra Quyết định 1479/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh 1/2000 – Cấu thành lý do “Cập nhật tên các phân khu của dự án cho phù hợp với Quy hoạch 1/2000 được phê duyệt sẽ dẫn đến việc điều chỉnh một số nội dung tại Điều 3.5 của GCNĐKĐT..”, công ty đề nghị điều chỉnh tên gọi, thời gian hoạt động, tiến độ hoàn thành và cả tiến độ góp vốn đầu tư theo từng giai đoạn của dự án.

Theo đó, số lượng phân khu, tổng vốn đầu tư không đổi. Nhưng, tất cả thông số liên quan tới tiến độ thực hiện/hoàn thành và tốc độ rót vốn được kiến nghị thay đổi theo hướng kéo dài thời gian. Điển hình như phân khu ghi nhận hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng cho người nước ngoài kéo dài tới 2025 mới hoàn thành. Hay như tổng số vốn 795 triệu USD cam kết góp: thay vì góp cơ bản đủ vào đầu 2019, nhưng được kiến nghị lùi thời hạn muộn nhất vào giai đoạn 2020-2025. Đích hẹn hoàn thành của hạng mục khu vui chơi giải trí có thưởng cho người nước ngoài tại dự án là quý IV.2020 (theo GCNĐKĐT ban đầu) – được thay bằng quý IV.2025.

Đồng thời, điểm mới hơn trong đề nghị điều chỉnh khoản mục đầu tư là khu E2 có sự xuất hiện của hạng mục bãi đáp máy bay trực thăng. Hạng mục này thuộc thẩm quyền đồng ý của Bộ Quốc phòng, nhưng Công ty Hồ Tràm nhắc tới đề nghị có bãi đáp trực thăng một cách khá chung chung, mờ nhạt: “Khu E2: có thể bao gồm các hạng mục:… bãi đáp trực thăng…”

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: việc điều chỉnh tên phân khu không làm thay đổi mục tiêu, chức năng, quy mô, công suất hoặc bất cứ thay đổi nào quan trọng khác đối với dự án như được mô tả trong GCNĐKĐT. Và từ đó có hướng dẫn Công ty Hồ Tràm lập lại báo cáo ĐTM khi tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ…

Cam kết tài chính hay "đếm cua trong lỗ"

Trong giải trình về năng lực tài chính, Công ty Hồ Tràm cho biết dự án có sự tham gia của quỹ đầu tư tư nhân Harbinger Capital Partners – nhà đầu tư chủ chốt của ACDL. Theo văn bản giải trình của Công ty Hồ Tràm ngày 21.2.2019, Harbinger Capital Partners hiện có hơn 9 tỷ USD tài sản được quản lý. Quỹ này đã rót gần 0,5 tỷ USD đầu tư vào dự án kể từ khi thành lập.

Ngoài ra, Công ty cũng hé mở khả năng về việc quan hệ “dự kiến” với Warburg Pincus – một quỹ đầu tư tư nhân chuyên lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, khách sạn trên thế giới. Công ty cho biết, quỹ này đang quản lý hơn 43 tỷ USD và đang đầu tư vào hơn 180 công ty trên thế giới. Tuy nhiên, Công ty Hồ Tràm không nêu rõ về quan hệ “dự kiến” này.

Để tạo thuyết phục cho các yêu cầu điều chỉnh kéo dài thời gian hoàn thành dự án cho Công ty Hồ Tràm, Chủ tịch Điều hành Michael Edward Kelly của ACDL đã gửi thư tới Sở KH&ĐT tỉnh, cam kết: “hỗ trợ vốn đầu tư cần thiết, theo từng thời điểm thích hợp với yêu cầu kinh doanh của Công ty để phát triển dự án. Nếu cần thiết, ACDL sẽ làm người bảo lãnh trong các thỏa thuận tài chính vay vốn từ các tổ chức tài chính để bảo đảm nguồn lực tài chính phát triển dự án”.

Thực chất, hoạt động của Công ty Hồ Tràm trên các phần dự án đã hoàn thành, và đặc biệt là hạng mục casino (hoạt động từ 2013) đều... rất tệ. Công ty đã lỗ sâu trong thời gian dài (2013 – 2016). Nguồn lực tài chính của Công ty cũng rất mong manh, phụ thuộc đáng kể vào việc vay nợ ngân hàng. Với khoản vay hàng nghìn tỷ đồng tại một Ngân hàng thuộc top đầu hiện nay. Thậm chí, việc nợ đọng thuế phí của Công ty cũng xuất hiện (vài chục tỷ đồng). Điều này, chúng tôi sẽ phản ánh chi tiết ở bài tiếp theo.

Tháng 5.2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 707/TTg-NN gửi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 3 Bộ (NN&PTNT, TN&MT và KH&ĐT) đồng ý chủ trương đầu tư dự án và chuyển mục đích sử dụng 94 ha đất lâm nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu cho Dự án.

Tháng 2.2007, Bộ TN&MT có ý kiến với Sở KH&ĐT tỉnh: Dự án có quy mô lớn 157 ha nằm cạnh biển Đông và Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. Dự án thuộc đối tượng phải lập Báo cáo ĐTM trình cơ quan thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở phê duyệt Dự án theo quy định Luật bảo vệ môi trường năm 2005.

Theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 9.8.2006 của Chính phủ (hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2005), dự án có sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.. thuộc trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ UBND tỉnh gửi tới liên Bộ, chỉ xuất hiện duy nhất văn bản quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Sở TN&MT tỉnh đối với dự án vào năm 2009. Mới nhất, là bản báo cáo cập nhật đánh giá môi trường được Công ty tự lập, gửi tới Bộ TN&MT vào ngày 18.1.2019.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top